Quá nhiều nguy cơ trong cuộc sống, sinh hoạt, lao động, kinh doanh có thể dẫn tới hỏa hoạn mang đến những hậu quả đau lòng nếu mỗi người và cả cộng đồng không duy trì ý thức phòng chống cháy nổ. Đặc biệt việc thu mua phế liệu từ nhiều nguồn khác nhau để phục vụ khâu tái chế, kinh doanh của các cơ sở tự phát có bãi tập kết thường nằm xen kẽ trong các khu dân cư đang là một trong những ẩn họa rõ nét.
Luật Bảo vệ môi trường 2022, các nghị định thông tư khác của Chính phủ, bộ ngành đã quy định rõ, việc kinh doanh các ngành nghề có nguy cơ cháy nổ nói chung, phế liệu nói riêng phải được lập kế hoạch bảo vệ môi trường do cấp huyện, thành, thị và UBND cấp xã, phường trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế việc phòng ngừa những rủi ro, cũng như giám sát chấp hành các quy định về điều kiện bắt buộc để các cơ sở hoạt động an toàn lại chưa được quan tâm đúng mức. Tại nhiều địa phương, việc kiểm soát, hạn chế rủi ro từ các cơ sở phế liệu hoạt động ngay trong khu dân cư rất khó khăn.
Nhằm tăng cường quản lý phòng cháy, chữa cháy đối với các khu dân cư, tòa nhà chung cư cao tầng, cơ sở sản xuất... theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã nhiều lần tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ. Nhiều bản đánh giá thực trạng, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ hướng đến giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra đã được đề xuất và phổ biến. Tuy nhiên để những công tác phòng ngừa này có hiệu quả thực sự bền vững thì yếu tố chính ở đây vẫn phải là ý thức cảnh giác, tuân thủ cao độ của mỗi cá nhân trước hiểm họa cháy nổ. Đừng để những cụm từ "giá mà, giá như" lặp đi lặp lại sau mỗi vụ việc cháy nổ thảm khốc xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!