Ngư dân nhiều làng biển từ Bình Định đến Phú Yên rồi Khánh Hòa đến lúc này vẫn chưa hết bàng hoàng, mỗi khi nhắc lại những gì xảy ra vào sáng 31/3.
Phải mất nhiều thời gian nữa, ngư dân làng biển này mới có thể gầy dựng lại những gì mà sóng, gió lấy đi của họ ngày 31/3. Và những mất mát này bắt buộc ngư dân phải nghĩ khác về ứng phó thiên tai. Bởi, một khi khí hậu ngày càng biến đổi khó lường thì sẽ không còn mùa nào là mùa an toàn và cũng khó có khu vực nào tránh khỏi thiên tai.
Ngư dân Nam Trung bộ đã hoàn toàn bị động và thậm chí chủ quan trong quá trình ứng phó với mưa to, giông lốc xảy ra vào ngày 31/3 vừa qua. Bởi, ít ai nghĩ đây lại có mưa to, gió lớn như bão. Cũng vì vậy, hậu quả nặng nề mà các tỉnh Nam Trung bộ hứng chịu một lần nữa cho thấy: thời tiết ngày càng bất thường, biến đổi khí hậu càng lúc càng lộ rõ. Và đây thực sự là bài học lớn trong ứng phó thiên tai. Vấn đề ở đây là làm sao người dân nắm được thông tin thời tiết rõ ràng, chi tiết và chủ động ứng phó với thiên tai.
Kết quả nghiên cứu các kịch bản về biến đổi của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho thấy, biến đổi khí hậu thời gian tới sẽ tác động rất lớn tới Việt Nam. Bởi vậy, ngay cả khi không phải là mùa mưa bão thì tâm thế ứng phó thiên tai vẫn luôn phải có. Đó chính là cách để giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, biến đổi khó lường và đợt thiên tai gây ra thiệt hại nặng trong ngày 31/3 tại Nam Trung bộ đã chứng minh điều này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!