Trên đất liền đã cảm nhận được rất rõ sức mạnh của cơn bão. Tại trạm Hoành Sơn, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã đo được gió giật có lúc lên tới cấp 10. Một phần lõi mây đậm đặc nhất của bão cũng đã chờm vào trút mưa xối xả cho khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Từ 19h đến 5h sáng nay, nhiều điểm thuộc khu vực này đã có mưa lớn từ 105-149mm.
Hiện bão đang di chuyển nhanh 20-25 km/h theo hướng Tây Tây Bắc, dự báo khoảng trưa đến chiều nay, tâm bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Thượng Lào.
Với hướng di chuyển như vậy, trong sáng nay vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn gió sẽ tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 15, biển động dữ dội. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình bao gồm đảo Hòn Ngư có gió mạnh cấp 6-8, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15; biển động dữ dội
Sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao trên 10m, vùng ven bờ 5-6m. Ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng bão có khả năng cao trên 1,0m, riêng khu vực ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 2,0m.
Từ sáng nay (15/9), trên đất liền ven biển các tỉnh từ Nghệ An - Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 7-9, gần trưa tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, giật cấp 15; các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12. Khu vực ven biển các tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11
Cùng với gió mạnh, khu vực Quảng Ngãi đến Nghệ An từ nay đến hết đêm 15/9 có mưa lớn với lượng 100-300mm, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm. Từ ngày 15-16/9 Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La và Nam đồng bằng Bắc Bộ cũng có mưa lớn 50-150mm, có nơi trên 200mm. Cảnh báo 1 đợt lũ trên các sông từ Thanh Hóa - Quảng Ngãi và nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập úng vùng trũng thấp.