Giáo dục là một trong những lĩnh vực được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, với nhiều chính sách ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác tuyển dụng và sử dụng giáo viên tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc.
Thiếu giáo viên luôn là chủ đề nóng đối với ngành giáo dục cũng như các địa phương trong những năm qua. Tại Thừa Thiên Huế, thiếu giáo viên đã và đang là một rào cản rất lớn khiến các trường học khó đảm bảo tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày và nỗi lo ảnh hưởng chất lượng dạy học năm học 2024 - 2025. Ghi nhận đến gần hết năm 2024, tại huyện Phú Lộc còn thiếu 109 giáo viên, thị xã Hương Thủy thiếu 174 giáo viên; các trường THPT thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế thiếu 118 giáo viên, nhân viên. Trong khi đó, năm 2024, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn 362 chỉ tiêu giáo viên, nhân viên ngành giáo dục được giao.
Trước tình trạng thiếu giáo viên, nhiều trường học tại Thừa Thiên Huế vẫn đang linh hoạt nhiều cách làm để xoay trở trước khó khăn hiện tại. Nhưng về lâu dài, vẫn cần những giải pháp thiết thực hơn.
Năm 2024, chỉ tiêu biên chế giao cho ngành Giáo dục và Đào tạo tại nhiều địa phương vẫn còn khá nhiều nhưng một nghịch lý là vẫn không thể tuyển dụng được do phải thực hiện chủ trương chung về tinh giản biên chế. Thực trạng này đang tiếp tục trở thành vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Cũng trong tháng 12 vừa qua, nhiều cử tri cũng đã chất vấn nội dung này tại kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra ngày 11/12 vừa qua, nhiều đại biểu đã nêu chất vấn về việc tại sao toàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn 362 chỉ tiêu giáo viên, nhân viên ngành giáo dục được giao nhưng vẫn không tuyển dụng được giáo viên? Tình trạng trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học, đặc biệt là tại các huyện, thị xã trên địa bàn.
Một bất cập chung hiện nay các địa phương đang gặp phải chính là việc thiếu giáo viên nhưng lại thừa biên chế do vướng mắc chủ trương chung về tinh giản biên chế. Ngoài ra việc ngành giáo dục không được chủ động trong công tác tuyển dụng cũng gây khó khăn trong việc bố trí đúng và đủ giáo viên.
Như vậy hiện nay việc tuyển dụng đang thuộc thẩm quyền ngành nội vụ và ủy ban nhân dân cấp huyện hay tỉnh, ngành giáo dục chỉ có chức năng tham mưu. Theo các chuyên gia hoạch và cán bộ quản lý, nếu ngành giáo dục được chủ động tuyển dụng được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như thời gian qua. Và đặc biệt, tuyển chọn được đúng người, đúng thời điểm, đáp ứng kịp thời về đội ngũ nhà giáo dạy học của từng địa phương.
Vấn đề tuyển dụng và sử dụng giáo viên hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành giáo dục, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và sự phát triển của thế hệ tương lai. Hy vọng rằng, với sự quan tâm và vào cuộc của các cấp lãnh đạo cùng các cơ quan chức năng, những bất cập trong công tác tuyển dụng giáo viên sẽ sớm được giải quyết, tạo điều kiện tốt nhất cho thầy cô giáo yên tâm công tác, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!