Bắt đầu công việc từ khoảng 7h sáng đến 16h cùng ngày, bên cạnh việc chợ búa, bếp núc, chế biến đảm bảo bữa ăn trưa và ăn phụ cho hàng trăm trẻ, những nhân viên cấp dưỡng còn cùng với giáo viên đứng lớp chăm sóc các cháu, nhất là với các bé trong độ tuổi nhà trẻ. Vất vả là thế nhưng thu nhập của họ chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/ người/ tháng, nơi nào cao nhất là hơn 2 triệu. Tất cả đều dựa vào nguồn nhà trường huy động được từ phụ huynh đóng góp và điều này là không hề dễ, nhất là với vùng khó khăn.
Theo quy định của Chính phủ về lương tối thiểu vùng thì không có nơi nào ở Thừa Thiên Huế lương tối thiểu vùng thấp hơn 3 triệu đồng. Đối chiếu này cho thấy có rất nhiều trường mầm non đang không thể thực hiện đúng quy định trên, nhưng nếu huy động thêm từ phụ huynh thì lại càng khó khăn hơn. Trong khi quy định của Bộ GD&ĐT thì cứ 35 đến 45 cháu phải có 1 cấp dưỡng.
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 1.020 nhân viên cấp dưỡng được chi trả lương bằng nguồn vốn xã hội hóa, trong đó chỉ có TP Huế, Thị xã Hương Thủy và huyện Phú Lộc là huy động từ nguồn phụ huynh đóng góp tương đối tốt, còn lại các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và thị xã Hương Trà là hết sức khó khăn. Thực tế trên cho thấy không phải lúc nào và ở đâu việc xã hội hội hóa cũng phù hợp.
Trao đổi với một số phòng giáo dục ở các địa phương, họ cho rằng nên phân vùng trong việc chi trả lương cho nhân viên cấp dưỡng để đảm bảo công bằng, quyền lợi cho người lao động, trong đó ở vùng bãi ngang ven biển và miền núi thì ngân sách Nhà nước cần chi trả hoàn toàn, có như vậy mới có thể huy động được bình quân 30 đến 35% cháu nhà trẻ, 95% cháu mầm non đến lớp.