Bệnh Whitmore được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1925, sau đó xuất hiện rải rác qua các năm tại một số địa phương, và gần đây được phát hiện tại các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế.
Trường hợp đầu tiên mắc Whitmore tại tỉnh Đăk Lăk là một cháu gái 9 tuổi ở thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp. Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại bệnh viện Đa khoa vùng Tây nguyên. Theo mẹ bệnh nhân, trước khi nhập viện 10 ngày, cháu bé sốt cao liên tục, kèm sưng, đau vùng mang tai 2 bên, người nhà đã đưa đến nhiều phòng khám tư nhân, trung tâm y tế huyện và được chẩn đoán là các bệnh quai bị, áp xe tai, được cho uống thuốc liên tục nhưng không thuyên giảm.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục và rất mệt. 2 tuyến mang tai sưng nóng đỏ đau, hạch 2 góc hàm nổi. Sau khoảng 2 lần đổi thuốc, và tích cực điều trị thì hiện tại tình hình bệnh nhấn tạm ổn, mặc dù trong quá trình điều trị nhiều lần chuyển biến nặng với các tổn thương đa cơ quan, nhiễm trùng huyết.
Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn ăn thịt người Burkholderia Pseudomallei vào ngày 9/6, thì tình trạng bệnh nhân đang ở giai đoạn có tiên lượng nặng, nhiễm trùng máu, viêm màng não. Hiện bệnh viện Đa khoa vùng Tây nguyên vẫn đang tích cực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.
Whitmore là căn bệnh nguy hiểm, vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei khi vào cơ thể sẽ thâm nhập vào các bộ phận, thường gặp ở phổi, và nó có khả năng cao tàn phá nhiều cơ quan nội tạng khác. Khả năng người và động vật nhiễm bệnh cao thường vào mùa mưa (từ tháng 7-11) ở những nơi có nguồn nước và đất bị ô nhiễm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!