Với hơn 48.000 héc-ta lúa vụ Đông Xuân, Bình Định là địa phương có diện tích sản xuất lúa nước lớn nhất ở khu vực Nam Trung bộ. Diễn biến thời tiết bất thường kết hợp với việc nông dân sử dụng nhiều giống lúa thuần nhiễm rầy để gieo sạ đã khiến cho rầy nâu hại lúa bùng phát.
Trong vụ Đông Xuân này, cánh đồng xã Bình Hòa tại huyện Tây Sơn là một trong những địa phương xuất hiện bệnh rầy nâu hại lúa sớm nhất tại Bình Định. Có 48 héc-ta lúa, chủ yếu là lúa gieo sạ ở trà giữa bị nhiễm rầy, trong đó có 16 héc-ta bị nhiễm nặng với mật độ hơn 5.000 con/m2, gây cháy cục bộ. Còn trên địa bàn huyện Tây Sơn, hiện có hơn 200 héc-ta lúa bị nhiễm rầy. Không chỉ một hay hai giống lúa bị nhiễm mà hầu hết các giống lúa gieo sạ trên ruộng đều ghi nhận có rầy xuất hiện. Vì vậy, giải pháp chung để khống chế rầy nâu được khuyến cáo là người dân thường xuyên thăm đồng, nếu phát hiện mật độ rầy dày, từ 3-5 con/dảnh, tương đương với mật độ từ 2.000 đến 5.000 con/m2 thì tổ chức phun thuốc tiêu diệt. Bởi nếu phun thuốc sớm và không đúng cách sẽ khiến rầy nâu bùng phát mạnh hơn.
Hiện nay, thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, ngày nắng nóng, tối có sương lạnh là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại. Với rầy nâu, áp dụng các loại thuốc như khuyến cáo: Map Arrow 420 WP, hoặc thuốc Bassa 50 EC hòa chung với thuốc Chess 50 WG phun đều trên lúa sẽ tiêu diệt được rầy.