Từ hai tháng nay, cá nóc xuất hiện với số lượng tăng nhiều bất thường so với cùng kỳ những năm trước. Tập trung nhiều ở ven biển miền Trung, cá nóc có đặc điểm chuyên sống ở tầng đáy và sát đáy, nơi có nhiều cát, bùn cát, vụn san hô. Quãng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch hàng năm là mùa sinh sản và xuất hiện nhiều cá nóc nhất. Cá nóc cắn phá ngư lưới cụ của ngư dân và làm giảm năng suất đánh bắt của các tàu khai thác hải sản. Tuy nhiên, ở góc độ nhận định của PGS-TS Võ Văn Phú, Giảng viên khoa Sinh học trường Đại học khoa học Huế, việc cá nóc xuất hiện nhiều bất thường là một tín hiệu tốt cho sự phục hồi môi trường biển tầng đáy ở Thừa Thiên Huế.
Các nhận định khoa học cũng cho rằng những khó khăn của ngư dân Thừa Thiên Huế do cá nóc xuất hiện nhiều cục bộ sẽ sớm qua đi khi môi trường đáy biển ở Bắc Trung Bộ hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, mùa sinh trưởng của cá nóc cũng là mùa độc tố cá nóc lên cực cao. Người dân tuyệt đối không nên ăn cá nóc được chế biến dưới mọi hình thức theo khuyến cáo của Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế.