Có một câu chuyện được nhắc đi nhắc lại khá nhiều tại những địa phương làm du lịch, đó chính là hiện tượng phản cảm trong lối ăn mặc của du khách tại những di tích lịch sử văn hóa. Người dân địa phương cho dù khá thông cảm đối với những du khách từ nơi khác đến, nhưng không thể chấp nhận hiện tượng này cứ kéo dài từ mùa du lịch này đến mùa du lịch khác.
Có người cho rằng, chúng ta lại đang nỗ lực thu hút du khách, đang tìm mọi cách để quảng bá hình ảnh đất nước thân thiện mến khách, nếu lên tiếng trước những biểu hiện không tốt của du khách khi đến Việt Nam thì liệu có làm ảnh hưởng đến chiến lược thu hút du khách hay không? Nhưng nếu chấp nhận thì dễ đánh mất hình ảnh Việt Nam giàu bản sắc văn hóa.
Theo ông Lê Kim Nhựt - Hiệp hội Du lịch Nha Trang Khánh Hòa, để du khách hòa cùng nhịp văn hóa của người Việt Nam cũng cần có sự phối hợp nhiều bên, thứ nhất là công ty du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên; thứ hai là điểm phục vụ khách tham quan và thứ ba là cộng đồng người dân địa phương. Ở điểm đến cần có sự chuẩn bị về việc thông báo, biển báo để du khách dễ dàng nhận thấy họ cần chuẩn bị gì về trang phục. Một ví dụ là hầu hết các điểm di tích ở Nha Trang, Khánh Hòa, đều đưa ra những hướng dẫn, những quy định về cách ăn mặc. Công việc này đang dần tạo thành nếp quen đối với du khách khi tham quan những nơi được xem là biểu tượng chiều sâu văn hóa vùng đất. Thực tế cho thấy, việc chấn chỉnh lối ăn mặc phản cảm trong du khách là điều có thể làm được. Và một khi đã làm thì được người dân địa phương ủng hộ và được du khách chấp nhận.
Việt Nam tiếp tục là sự lựa chọn của du khách quốc tế với nhiều dòng khách từ các quốc gia khác nhau, mỗi dòng khách là một miền văn hóa, cách ứng xử, cách ăn mặc sẽ hoàn toàn khác với văn hóa Việt Nam. Nhưng nhập gia tùy tục, điều quan trọng vẫn là trách nhiệm của những người làm du lịch để du khách tôn trọng những gì thuộc về văn hóa Việt Nam.