Liên kết đã trở thành vấn đề mấu chốt trong sản xuất nông nghiệp nông thôn hiện nay. Bởi khi có liên kết sẽ giúp nông dân an tâm và quyết tâm sản xuất, còn doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định để hoạt động. Tại huyện Sơn Tịnh, địa phương liên kết với Trang trại bò sữa tại Quảng Ngãi trồng bắp sinh khối. Đầu ra được nhà máy bao tiêu, nông dân có thu nhập ổn định.
Hiện nay, Quảng Ngãi có khoảng 766 hecta trồng ngô sinh khối. Riêng huyện Sơn Tịnh trồng gần 50 hecta để cung cấp cho doanh nghiệp làm thức ăn cho bò sữa. Năng suất bình quân đạt trên 50 tấn/hecta. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lợi gần 30 triệu đồng/ha/vụ. Nhận thấy đầu ra được đảm bảo, giá cả ổn định, nhiều nông dân đã mở rộng thêm diện tích vùng trồng.
Thành công bước đầu từ mô hình liên kết trồng ngô sinh khối là động lực để địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa trong các mô hình liên kết, hướng đến xây dựng nền sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 70 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến. Các cơ sở có tổng công suất thiết kế gần 100 tấn sản phẩm/năm. Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận là cơ sở sản xuất, chế biến nấm có quy mô lớn đầu tiên tại Quảng Ngãi. Các chế phẩm từ nấm của cơ sở này có giá trị cao và có đầu ra ổn định. Từ khi thành lập, hợp tác xã đã thu hút gần 30 hộ tham gia liên kết trồng nấm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Chế biến sâu nông sản sau thu hoạch là cách để gia tăng giá trị đầu ra cho nông sản. Đây không chỉ giải quyết bài toán về đầu ra cho nông sản mà còn góp phần tạo liên kết từ sản xuất, cung ứng nông sản giữa doanh nghiệp và người nông dân, góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp địa phương và tạo sinh kế cho người nông dân. Gần đây, một số chủ cơ sở và doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến chuyên sâu để nâng cao giá trị nông sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!