Sau khi kéo dài thêm 1 ngày so với lịch trình, Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hôm qua (14/11) đã bế mạc tại Glasgow (Vương quốc Anh). Các quốc gia đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Hiệp ước khí hậu Glasgow được đánh giá như 1 thỏa thuận lịch sử khi 197 quốc gia nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C, mục tiêu đã được đề ra trong Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Hơn 200 quốc gia đã thống nhất kế hoạch triển khai các hành động giảm phát thải tầm nhìn 2030 vào cuối năm 2022.
Hơn 100 quốc gia cam kết kiểm soát nạn phá rừng vào năm 2030. Đáng chú ý, Mỹ và Trung Quốc, 2 nước có lượng khí phát thải lớn nhất thế giới cam kết hợp tác giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng sạch và kiểm soát mức tăng nhiệt độ trái đất.
Các nước nghèo cũng nhượng bộ về vấn đề "thiệt hại và tổn thất", trong đó các nước giàu sẽ "bồi thường" những tổn thất do các hiện tượng thời tiết cực đoan, hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Các nước đồng ý sẽ tiếp tục thảo luận điều này. Trong khi đó, 450 tổ chức phi chính phủ cũng đưa ra các cam kết tài trợ 130 tỷ USD hỗ trợ chuyển đổi xanh trên toàn cầu, trong đó có đầu tư cho công nghệ sạch, năng lượng tái tạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!