Sau 3 năm có hiệu lực thi hành, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 đã thể chế hóa hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, trở thành công cụ hữu hiệu, nâng cao hiệu quả, tăng cường minh bạch và công khai trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tuy nhiên, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa vào sửa đổi luật .
09 tham luận được trình bày tại hội thảo sáng nay (18/5) góp phần làm rõ thêm một số vấn đề như đối tượng kiểm toán; xem xét mối quan hệ phối hợp, phạm vi thực hiện, tránh trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động kiểm toán Nhà nước; nghiên cứu quy định chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật kiểm toán Nhà nước; các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán Nhà nước trong phòng chống tham nhũng. Ngoài ra Luật Kiểm toán 2015 còn chồng chéo, trùng lắp với Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thanh tra; chưa bảo đảm sự kết hợp, phân công rõ ràng để cơ quan nào thực hiện đúng thẩm quyền, dẫn tới khó khăn cho cơ quan kiểm tra, thanh tra cũng như đối tượng thanh, kiểm tra. Các tham luận cũng khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 là rất cần thiết và xuất phát từ tinh thần khoa học cũng như yêu cầu thực tiễn .
Đây là hội thảo lần thứ 4 trên toàn quốc, Kiểm toán Nhà nước đã tổng hợp hơn 90 ý kiến từ các nhà khoa học, nhà quản lý và trưởng các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương để tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin sửa đổi luật này trong thời gian tới.