Với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng và sự quan tâm của Trung ương, Đà Nẵng là thành phố đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Sau nhiều năm phát triển vượt bậc, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố này bị chững lại, thậm chí có nhiều chỉ số chưa bền vững. Dư địa phát triển bị thu hẹp, vướng cơ chế, thậm chí là các quyết định Thanh tra của Chính phủ, bản án của toà đã kìm hãm sự phát triển của thành phố được xem là năng động nhất cả nước. Với sự hỗ trợ của Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đà Nẵng đang nỗ lực khơi thông nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Cảng Liên Chiểu là dự án đầu tư công lớn nhất của thành phố Đà Nẵng cho đến thời điểm này. Với quy mô và tầm vóc mang tầm khu vực, Đà Nẵng gấp rút hoàn thiện phần hạ tầng dùng chung với nguồn vốn gần 4000 tỷ đồng. Riêng các hạng mục quan trọng còn lại, thành phố Đà Nẵng xin chủ trương của Trung ương kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Theo lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, cần có những cơ chế linh hoạt trong đầu tư thì dự án cảng Liên Chiều mới sớm đi vào vận hành đồng bộ.
Không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế chính sách, thời gian qua, thành phố này tập trung tháo gỡ những vướng mắc đối với các dự án, nhà công sản liên quan đến 3 bản án của tòa, 4 kết luận của Thanh tra chính phủ. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng thành lập tổ công tác do Chủ tịch thành phố làm tổ trưởng triển khai kết luận đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai". Nếu 1200 dự án và nhiều cơ sở nhà đất được khai thông, Đà Nẵng sẽ tăng tốc phát triển.
Đà Nẵng vốn có thế mạnh về ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Dường như thành phố không còn dựa vào đất đai, thay vào đó, nguồn thu vào dịch vụ, sản xuất tăng mạnh. Thống kê cho thấy, năm 2024, kinh tế Đà Nẵng đã phục hồi nhanh, thành phố đã dần lấy lại đà tăng trưởng. Trong thời gian đến, chính quyền thành phố tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tiếp tục thu hút nhà đầu tư mới, chú trọng tăng trưởng bền vững.
Từ hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, đúng trọng tâm, trọng điểm, từng bước, lĩnh vực thu hút đầu tư đã có dấu hiệu tích cực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp dần phục hồi và tăng trưởng khá. Thu ngân sách của thành phố 9 tháng đã vượt kế hoạch năm 2024. Vấn đề còn lại là thành phố duy trì mức tăng trưởng ổn định, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới mà thành phố có thế mạnh như dịch vụ logistics, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn./.
So với các thành phố trực thuộc trung ương thì quy mô nền kinh tế của Đà Nẵng còn hạn chế, nguồn thu ngân sách cũng chưa phải lớn. Đầu năm 2025, thành phố Đà Nẵng triển khai chính quyền đô thị, thí điểm các cơ chế đặc thù, xây dựng khu thương mại tự do làm đòn bẫy để phát triển kinh tế. Cùng với hàng loạt giải pháp thiết thực nhằm khai thông các điểm nghẽn, nhất là hơn 1200 dự án đang vướng thanh tra, Đà Nẵng đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong vào ngoài nước.
Khi mà các khu công nghiệp ở Đà Nẵng đã lấp đầy, Đà Nẵng đã chuyển sang một hướng đi mới đó là chuẩn bị hạ tầng để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn và cơ khí chính xác. Với lợi thế cạnh tranh, Đà Nẵng mở rộng xúc tiến đầu tư, ký kết hợp tác với các tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực này. Từ các chương trình thu hút đầu tư có trọng điểm, các tập đoàn công nghệ hàng đầu của thế giới đã đầu tư hàng trăm triệu đô la vào khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng tập trung vào 3 hướng đột phá đó là chính sách, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Đà Nẵng đã liên kết đào tạo và thu hút 5000 nhân sự chất lượng cao, ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn đầu tư vào Đà Nẵng. Nhiều tập đoàn lớn như Synopsys, Marvell đã có mặt tại Đà Nẵng, Nvidia, Qualcom, Intel đã có mặt tại Đà Nẵng.
Để phát triển khu thương mại tự do, Đà Nẵng đã xác định, ngành dịch vụ logistics là thế mạnh tạo động lực để tăng trưởng. Ngoài xây dựng phát triển dịch vụ logistics, trong chiến lược dài hạn, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư hạ tầng mang tính kế nối vùng, kết nối quốc tế, ứng dụng công nghệ thông minh vào quản lý dịch vụ. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics là 11% cho kinh tế Đà Nẵng và tăng qua từng năm.
Cùng với Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 136 của Quốc hội, Đà Nẵng sẽ xây dựng chính quyền đô thị, triển khai các cơ chế chính sách đặc thù có tính vượt trội vào năm 2025. Theo đó, khu thương mại tự do rộng hơn 2500 héc ta tại 10 vị trí, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân; hỗ trợ chi phí đào tạo, thu hút chuyên gia, nhà khoa học. Đây sẽ là cơ sở để Đà Nẵng thu hút các đối tác chiến lược, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội lớn để tháo gỡ vướng mắc đã tồn tại suốt hàng chục năm qua. Triển khai kết luận 77 của Bộ Chính trị, hiện nay, Quốc hội đang xem xét để thông qua các Nghị quyết về tháo gỡ điểm nghẽn các dự án. Đà Nẵng cũng đã phối hợp với các Bộ ngành Trung ương để hoàn thiện khung pháp lý về khu thương mại tự do; Thủ tướng chính phủ làm trưởng Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 136 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác triển khai xây dựng khu thương mại tự do và các cơ chế đặc thù đang gấp rút triển khai và sẽ sớm định hình trong nay mai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!