Không chỉ thành công trong việc chỉnh trang đô thị, Đà Nẵng còn thành công trên lĩnh vực đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông. Không chỉ vậy, trong xây dựng các trục đường trung tâm, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã dành nhiều nguồn lực, ưu tiên đầu tư hệ thống đường vành đai nhằm để mở rộng không gian đô thị để giãn dân cư. Và đây cũng là định hướng quy hoạch Đà Nẵng đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuyến đường vành đai phía Nam được thành phố Đà Nẵng tư gần 1000 tỷ đồng để nối từ Quốc lộ 1A đến đường vành đai phía Đông ven biển. Ngoài chức năng giảm sức ép giao thông vào nội đô, các khu đô thị mới ở phía Nam Đà Nẵng được khớp nối với trục đường này.
Ngay khi tuyến đường vành đai phía Nam đưa vào sử dụng, chính quyền Đà Nẵng đầu tư gần một ngàn năm trăm tỷ đồng để mở con đường vành đai phía Tây, khớp nối vành đai phía Nam, quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh vào vành đai phía Bắc. Hơn một ngàn sáu trăm hộ gia đình bị giải tỏa đất nông nghiệp nhưng rất ủng hộ.
Tuyến đường vành đai phía Tây này có chiều dài 20 cây số. Điểm đầu là quốc lộ 14B đi qua 5 xã của huyện Hòa Vang là Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Ninh và Hòa Liên sau đó nối với cao tốc La Sơn – Túy Loan. Giữa tháng 9 này sẽ khởi công đường vành đai phí Tây này. Đây là tuyến đường chiến lược, thúc đẩy phát triển vùng nông thôn phía Tây của Đà Nẵng.
Rút kinh nghiệm từ các đô thị lớn khác, muốn mở rộng đô thị trước tiên Đà Nẵng phải đầu tư hệ thống giao thông vành đai. Chỉ sau 20 năm, diện tích không gian đô thị đã tăng lên gấp 4 lần. Với sự kết nối giữa cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, 4 tuyến đường vành đai và đường Hồ Chí Minh, không gian đô thị sẽ được mở rộng đáng kể.