Để nhường đất cho đại dự án Khu công nghệ cao TP Đà Nẵng, năm 2012, hộ gia đình ông Trần Quốc Vũ, thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang là 1 trong những hộ sớm bàn giao toàn bộ diện tích 2275 m2 đất ở, đất vườn và hơn 2,2 héc ta đất rừng cho ban quản lý dự án.
Ngoài số tiền khoảng 250 triệu đồng đền bù cho nhà cửa, hoa màu, rừng cây Ban quản lý dự án còn cấp lại cho gia đình ông 1 lô đất 100 m2 để tái định cư nhưng mãi đến năm 2021 gia đình ông mới nhận được đất. Nhận tiền đền bù từ năm 2012 mãi đến năm 2021 mới nhận được đất nên số tiền khoảng 250 triệu đồng không còn đủ để ông làm nhà. Hiện tại, cuộc sống gia đình ông đang gặp nhiều khó khăn, chỗ ở phải thay đổi khắp nơi vì thuê mướn nhà
Cùng với ông Vũ, hàng ngàn hộ dân tại các xã Hòa Ninh, Hòa Liên huyện Hòa Vang thuộc dự án khu công nghệ cao Đà Nẵng không chỉ nhận thấy mình bị thiệt thòi trong chính sách giải tỏa đền bù mà còn bức xúc về sự thiếu nhất quán và thiếu minh bạch trong chính sách giải tỏa đền bù, khiến cuộc sống nhiều người dân chưa thể tốt hơn so với trước khi giải tỏa.
Trên cơ sở bám sát các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 18, nhiều người dân và chuyên gia cho rằng: Luật đất đai sửa đổi lần này cần đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên cao nhất, quan tâm đến lợi ích của người dân ngay trong từng chính sách cụ thể; những chính sách mới phải hướng đến làm lợi cho người dân.
Để hướng đến việc đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất, các ý kiến cho rằng: dự thảo luật đất đai sửa đổi lần này cần cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 18, đó là chủ đầu tư phải bố trí được khu tái định cư xong thì mới được tiến hành thu hồi đất; phải công khai toàn bộ số tiền dự toán cho việc bồi thường khi tiến hành thu hồi đất, hay những thông tin về đền bù giải tỏa tái định cư phải được niêm yết công khai để người dân biết và giám sát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!