TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Trên 20.000 sinh viên sư phạm thất nghiệp và bài toán "đầu ra" cho ngành sư phạm

Vĩnh yên, Anh Phương, Duy Hiệp (VTV8)Cập nhật 20:39 ngày 09/06/2018

VTV.vn - Tình trạng đầu vào của sinh viên sư phạm quá thấp, đã khiến cho dư luận lo lắng về thế hệ giáo viên tương lai. Nhưng thực tế cho thấy đầu ra mới thực sự là mấu chốt.

Theo Quy chế sửa đổi, chỉ có duy nhất nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp: Căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào – trước đây chúng ta vẫn thường gọi là điểm sàn, để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Với hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học là học sinh xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên; trình độ cao đẳng, trung cấp là học sinh xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ V Quốc hội khóa XIV còn có nhiều điểm mới, với mong muốn sẽ đưa ra các giải pháp thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, nâng cao chất lượng cả đầu vào và đầu ra. Trong đó quy định sinh viên sư phạm không phải đóng học phí sẽ được thay bằng quy định: sinh viên sư phạm được vay tín dụng để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định, thì sẽ được miễn khoản vay này. Giải pháp chia sẻ gánh nặng kinh phí trong thời gian theo học của sinh viên sư phạm là hết sức có ý nghĩa, đặc biệt với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Song trên thực tế, điều mà các sinh viên sư phạm quan tâm hơn cả vẫn là vấn đề đầu ra, nhưng nhiệm sở khi ra trường là điều càng ngày càng khó. 

Theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng nhất chính là giải quyết bài toán "đầu ra" cho sinh viên sư phạm. Khi giải quyết được vấn đề này, học sinh giỏi sẽ mặn mà vào ngành sư phạm, dù phải đóng học phí. Theo thống kê mới đây nhất được các đại biểu Quốc hội đặt lên bàn nghị sự đó là có trên 20.000 sinh viên sư phạm ra trường đang không có việc làm và dự báo đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên khoảng 70.000 sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm, nếu tiếp tục đào tạo như thời gian qua.

Hy vọng với những chính sách khuyến khích thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, cùng với việc gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn, thời gian tới câu chuyện khó khăn của ngành sư phạm sẽ được cải thiện, góp phần làm cho bức tranh giáo dục đào tạo của nước nhà sẽ sáng hơn.