TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Độc đáo làng nghề đầu Lân xứ Huế

Tùng Lâm, Trung Thành (VTV8)Cập nhật 10:34 ngày 17/09/2018

VTV.vn - Rằm trung thu tới gần. Cùng khám phá nghề làm đầu Lân ở Thừa Thiên Huế. Nơi đây luôn có sự độc đáo cùng nét đẹp nghệ thuật riêng có của những chiếc đầu Lân truyền thống.

Từ chiếc khuôn làm bằng xi măng hay khung sườn bằng mây tre, qua bàn tay khéo léo, cần mẫn chế tác thủ công, những người thợ đã cho ra đời những chiếc đầu lân sống động không cái nào giống cái nào. Một chiếc đầu lân hoàn thành là tác phẩm nghệ thuật mà mỗi người thợ muốn thổi hồn vào sản phẩm mình làm ra.

Để hoàn thành một con lân mất khoảng 2 - 3 ngày tùy kích cỡ khác nhau. Mỗi con lân đều làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công nên mỗi sản phẩm đều chứa đựng cái hồn, vẻ đẹp khác nhau, tùy theo tâm trạng và cảm xúc của người làm. Điều quan trọng nhất để hình thành một con lân đẹp là nằm ở đôi mắt. Lân mạnh mẽ, hung dữ, hiền lành… đều thể hiện qua ánh mắt.

Một chiếc đầu lân được bán có giá thấp nhất là 100 ngàn, đầu lân càng to, càng đẹp thì càng đắt, lên đến cả triệu đồng. Tùy từng vụ, có lúc số lượng đặt mua đầu lân đến cả ngàn chiếc, đem lại thu nhập kinh tế cao cho người dân.

Trong quan niệm phương đông, Lân là linh vật trong tứ linh mang đến những điềm lành, phú quý, thịnh vượng. Chính vì những đặc tính tốt đẹp ấy mà Lân có sức ảnh hưởng lớn đến văn hóa tâm linh của người Việt Nam và đối với con người xứ Huế nói riêng. Lân Huế ảnh hưởng phong cách và mang dáng dấp của cung đình. Đặc điểm chính của Lân Huế có 2 màu xanh và vàng. Màu xanh tượng trưng cho hoàng tộc, màu vàng tượng trưng cho vương triều.

Nét văn hóa trong cách trang trí họa tiết đầu lân cùng với sự sáng tạo trong phong cách múa lân cung đình không hề lai tạp bất kể nơi nào khác. Lân Huế sau những đổi thay của dòng chảy lịch sử vẫn khẳng định được chỗ đứng và là chỗ dựa tinh thần cho mọi tầng lớp người dân xứ Huế.

Nông dân Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu nông sản

VTV.vn - Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.