Tại Mỹ lúc này, kho dự trữ vắc-xin đang ngày càng lớn, trong bối cảnh nhu cầu tiêm chủng vài tuần qua bắt đầu giảm mạnh. Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ quyên góp 500 triệu liều vắc-xin Pfizer-BioNTech trong vòng một năm tới. Đến cuối năm 2021, ít nhất 200 triệu liều vắc-xin sẽ được phân phát tới các quốc gia. Đó là chưa kể 80 triệu liều vắc-xin mà Washington đã cam kết sẽ chuyển giao từ nay tới cuối tháng 6.
Thủ tướng Johnson cho biết Anh sẽ chia sẻ 5 triệu liều vắc-xin trong vài tuần tới. Số còn lại trong tổng cộng 100 triệu liều vắc-xin mà London cam kết sẽ được chuyển giao từ nay tới năm 2022.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Đức sẽ quyên góp ít nhất 30 triệu liều vắc-xin. Còn Tổng thống Pháp Macron cam kết Pháp sẽ chia sẻ 30 triệu liều vắc-xin đến cuối năm 2021.
Các chuyên gia y tế hoan nghênh quyết định chia sẻ 1 tỉ liều vắc-xin ngừa COVID-19 của lãnh đạo các nước G7, tuy nhiên khẳng định thế giới sẽ cần nhiều vắc-xin hơn nữa, và vắc-xin nên được chuyển giao sớm nhất có thể.
Mất cân bằng trong phân phối vắc-xin đang là điểm nghẽn trong chiến dịch ứng phó đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu. Sáng kiến COVAX, chương trình vắc-xin do Liên Hợp Quốc bảo trợ từng đặt mục tiêu cấp 2 tỉ liều vắc-xin cho các nước nghèo trong năm 2021. Tuy nhiên, tính đến ngày 8/6, chưa đến 82 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 đã được chuyển đến 129 quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!