Ở ngôi làng nơi gia đình đôi vợ chồng nghệ nhân này sống vẫn vang lên âm thanh của khung quay sợi, tiếng tí tách của tre, mây qua đôi bàn tay đã vằn vện những vết nhăn của thời gian.
Hơn 40 năm trước, cô gái trẻ Đinh Thị Hiền được người làng mai mối với 1 thanh niên mồ côi lại bị tật nguyền, Đinh Bi. Bà nhận lời bởi cảm mến chàng trai có đôi tay tài hoa biết vượt qua nghịch cảnh. Còn ông cảm mến bà không chỉ vì bà xinh đẹp mà còn là cô gái dệt đẹp nhất vùng. Suốt chừng ấy năm gắn bó, những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình được ông bà nâng niu, trau chuốt. Mặc cho những guồng quay bên ngoài hối hả, trong căn nhà của đôi vợ chồng già này vẫn dìu dặt thanh âm của khung cửi, của tiếng chuốt tre mỗi ngày.
Chồng tài hoa, vợ cũng chẳng kém cạnh. Ông thì tỉ mẩn với từng thanh nan để tạo ra những chiếc gùi đẹp, còn bà thì chăm chút cho từng sợi tơ, đường chỉ muôn màu sắc. Với nghệ nhân Đinh Thị Hiền, chất liệu thổ cẩm phải giữ được bản sắc của dân tộc. Vì thế, dù khi hầu hết những phụ nữ còn dệt vải trong vùng mua chỉ công nghiệp để giản lược các công đoạn làm ra một tấm thổ cẩm thì bà vẫn giữ cách làm cũ, tự trồng bông dệt vải, kéo sợi, nhuộm màu.
Các sản phẩm đôi vợ chồng nghệ nhân này làm ra đều đạt đến độ tinh xảo, thể hiện trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao. Ông bà thường xuyên được góp mặt tại các sự kiện văn hóa quan trọng, trong đó vinh dự nhất đã được chọn là nghệ nhân tiêu biểu tham gia hoạt động trình diễn dệt thổ cẩm, đan lát tại lễ kỷ niệm 15 năm "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" được UNESCO vinh danh. Trong danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2021 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng có tên của đôi vợ chồng nghệ nhân này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!