Sau 4 năm, cây sâm Ngọc Linh cho ra lứa hạt đầu tiên. Một hạt sâm tại vườn có giá hơn 100 ngàn đồng. Mỗi năm, người trồng sâm có nguồn thu từ của một cây sâm trưởng thành khoảng 2 đến 3 triệu đồng. Năm ngoái giá sâm con chỉ vài chục ngàn đồng thì nay cũng đã nhảy vọt lên đến 300 ngàn đồng một cây con. Việc mua cây sâm giống thời điểm này không phải dễ. Tại huyện Nam Trà My, nhiều gia đình đã thu tiền tỷ nhờ bán hạt sâm giống.
Trong khi một số hộ trồng sâm giống phấn khởi thì kế hoạch di thực sâm Ngọc Linh ra 7 xã của huyện Nam Trà My đang gặp nhiều khó khăn do thiếu giống. Nguyên nhân thiếu giống là tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đã mở rộng diên tích sâm quá nhanh. Mặc khác, việc giá sâm củ tăng lên 100 triệu đồng một ký khiến người trồng sâm thu hoạch đồng loạt, dù cây sâm đang thời kỳ ra hoa kết trái. Giải quyết nguồn sâm giống đang là thách thức tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Bảo tồn nguồn gen quý sâm Ngọc Linh phải đi đôi với mở rộng diện tích sâm Ngọc Linh lên 15 ngàn héc ta. Đó là nội dung quan trọng trong đề án sâm Quốc gia mà Thủ tướng Chính phê duyệt. Không thể có nguồn sâm Ngọc Linh chất lượng cao khi nguồngiống thiếu tính chọn lọc. Tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đang triển khai mô hình nhân giống sâm bằng hình thức nuôi cấy mô song vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu sâm giống hiện nay.