Các ý kiến phát biểu tại hội nghị lần này nêu rõ, do chưa hiểu đúng khái niệm cũng như chức năng nhiệm vụ nên y tế dự phòng ở nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện tại, nguồn kinh phí cho hoạt động y tế dự phòng chủ yếu là do ngân sách Nhà nước, chiếm chỉ 30% trong tổng chi toàn ngành y tế, trong đó một nửa trong số này đã dành cho chương trình mục tiêu Quốc gia dân số; do đó, nguồn kinh phí thực chất cho hoạt động y tế dự phòng chỉ còn 15% trong đó có cả hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Trên thực tế nguồn kinh phí cho y tế dự phòng đến các địa phương chỉ còn 6 đến 9% như tại tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Điện Biên, Quảng Ngãi. Hầu như không có nguồn thu, các dự án ODA nhỏ lẻ, nên nguồn kinh phí hạn hẹp từ ngân sách dành cho y tế dự phòng chỉ mới đáp ứng nhu cầu trả lương và chi thường xuyên, các hoạt động chuyên môn chuyên sâu gặp nhiều khó khăn...
Hội nghị lần này cũng đã lắng nghe các kiến nghị từ cơ sở, các chuyên gia y tế quốc tế để tìm giải pháp tài chính bền vững cho hoạt động y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS. Theo đó, 1 số giải pháp đề xuất đảm bảo cho hoạt động y tế dự phòng như: Hoàn thiện, ban hành danh mục, định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ y tế làm cơ sở để thực hiện tính giá đúng, đủ; khôi phục và duy trì các chương trình mục tiêu Quốc gia, xây dựng các quỹ phòng chống các bệnh lây nhiễm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!