Tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia, năm 1980, quân nhân Nguyễn Viết Tiến xuất ngũ về quê với thương tật 3/4. Trở về quê hương với vết thương mang theo từ chiến tranh và để lại 1 bàn chân trên chiến trường, người thương binh ở miền quê cát trắng đã không chịu khoanh tay nhìn đói nghèo. Nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, ông ra vùng cát trắng khai hoang, lập trang trại rộng 5.000m2, xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp trồng trọt kết hợp chăn nuôi.
Sống trên vùng cát trắng thiếu nước sinh hoạt, ông học kỹ thuật khoan giếng và sau đó phát triển thành nghề để giúp người dân quanh vùng. Đây cũng là công việc mang lại thu nhập và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Với khoản thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu đồng, mô hình kinh tế thoát nghèo bền vững của ông Tiến đang được nhiều địa phương tìm hiểu để nhân rộng. Vừa qua, ông được bầu chọn là 1 trong 3 đại biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự Hội nghị người có công tiêu biểu toàn quốc.
Người dân địa phương thân thương gọi ông là "Trùm giếng", bởi ông đã giúp mang nguồn nước đến với mọi nhà trong vùng, và cũng bởi lòng yêu mến, khâm phục đối với 1 người thương binh không bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn.