TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Hai mặt của "giải cứu" nông sản: Nông dân trồng tự phát - Chính quyền kêu gọi "giải cứu"

Kim Dung, Hữu Thịnh, Công Dũng, Lê Huy (VTV8)Cập nhật 22:20 ngày 15/05/2018

VTV.vn - Nông sản "được mùa, rớt giá" lặp đi lặp lại trong nhiều năm nay. Đáng nói, thực trạng này vẫn không có giải pháp giải quyết căn cơ.

Những ngày qua, bà con nông dân xã Tam Phước, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) khốn đốn vì giá dưa hấu rớt thê thảm. Đầu vụ mỗi kg dưa hấu có giá trên 8.000 đồng nhưng hiện chỉ còn chưa đến 1.500 đồng/kg nhưng cũng chẳng ai mua. Mặc dù chính quyền vận động các doanh nghiệp vào cuộc giải cứu nhưng toàn huyện vẫn còn trên 15.000 tấn dưa hấu chưa tiêu thụ được. Còn tại xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn), nhiều ruộng ớt đang chín đỏ cây nhưng không có người đến hái. Giá ớt tươi hiện nay chỉ còn khoảng 1.300 đồng/kg. Bà con nông dân phải tự thu hoạch vì giá bán ớt không đủ trả công thuê người hái.

Không chỉ riêng ở Quảng Nam, thời điểm này, nhiều loại nông sản ở tỉnh Quảng Ngãi cũng đang trong tình trạng tắc nghẽn đầu ra, chờ "giải cứu", đặc biệt là dưa hấu. Thế nhưng dù các cấp chính quyền, ngành chức năng ở Quảng Ngãi đã nhiều lần cảnh báo không nhân rộng diện tích trồng dưa nhưng nông dân vẫn bất chấp, liều mình "đánh bạc với dưa".

"Giải cứu" những nông sản đang bị tồn đọng, từ chuối, dưa hấu đến bí đao, bí đỏ…đó là một điều tốt đẹp trong cộng đồng xã hội nhưng cũng chỉ mang tính chữa cháy và bất đắc dĩ. Bởi lẽ chẳng ai thích chuyện khi làm ăn bình thường thì thu lợi nhuận cho mình, tới lúc xảy ra khó khăn do chủ quan lại kêu gọi giải cứu.

Quy hoạch, định hướng và tuyên truyền vận động nông dân là việc vẫn được các địa phương thực hiện lâu nay nhưng có vẻ như không mấy hiệu quả, bởi thực tế không năm nào không phải giải cứu nông sản. Chuỗi liên kết 4 nhà tại không ít địa phương gần như không có hoặc rất lỏng lẻo và không mấy thực chất.

Hàng ngàn ha ớt, bí đỏ, dưa hấu cuối vụ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và nhiều địa phương khác đang nằm chờ "giải cứu". Không gì đau xót bằng công sức tiền của cả mùa vụ có nguy cơ đổ sông đổ biển. Những cuộc giải cứu chỉ là phần ngọn nếu không giải quyết tận gốc vấn đề. Bên cạnh vai trò quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp của ngành chức năng và chính quyền địa phương, nông dân cũng cần phải thay đổi tư duy tổ chức sản xuất chứ không phải là sản xuất tràn lan, ồ ạt, bất chấp cảnh báo để rồi năm nào nông sản cũng phải chờ giải cứu.

Nông dân Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu nông sản

VTV.vn - Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.