Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 3, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham là một căn nhà tạm nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi. Tuy nằm sát cạnh đường Đông Trường Sơn nhưng tại đây lại không điện, không nước và không cả sóng điện thoại. Cả trạm có 6 nhân viên, thì ngoài trạm trưởng là người có thâm niên và bám trụ lâu nhất, quân số tại đây liên tục biến động. Nhiều người không chịu được sự khắc nghiệt của tự nhiên, áp lực công việc và nhất là thu nhập không đảm bảo cuộc sống đã bỏ việc.
Chỉ tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham, trong 3 năm qua đã có đến 20 nhân viên, trong đó có 10 viên chức nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Người cũ đi, người mới chưa tuyển kịp đã tạo ra sự biến động lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của đơn vị. Cho đến thời điểm này, Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham chỉ còn tổng cộng 30 cán bộ, nhân viên trong tổng số 37 người theo định biên. Thiếu nhân lực trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ nên nhiều diện tích rừng luôn trong tình trạng báo động bị xâm hại.
Đây là vấn đề đang gây khó khăn cho ngành, nhất là các đơn vị cơ sở. Mức lương và các chế độ đãi ngộ khác đối với lực lương bảo vệ rừng chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu và phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng.
4 tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 80 công ty Lâm nghiệp, Vườn Quốc gia và Ban Quản lý rừng. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể số lượng nhân viên tại các đơn vị này bỏ việc do phần nhiều trong số này là nhân viên hợp đồng, tuy nhiên, thống kê sơ bộ số viên chức xin thôi việc hay nghỉ hưu trước thời hạn lên đến hàng trăm người trong vài năm trở lại đây. Trong đó, 2 tỉnh Kon Tum và Đắk Nông số viên chức, nhân viên bảo vệ rừng xin nghỉ việc tăng đột biến. Đây là tình trạng đáng báo động đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Tây Nguyên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!