Tinh thần cốt lõi của nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam là các phép ứng biến, tiếp biến về nguyên liệu, quy trình thuật ngữ kỹ thuật, trong đó, quan trọng là kỹ thuật đồ họa Trúc chỉ. Trúc chỉ sử dụng nhiều loại nguyên liệu khác nhau sẵn có tại các địa phương cho quá trình sáng tạo tác phẩm như: rơm, tre, bèo, mía, chuối, cỏ. Nghệ thuật Trúc chỉ có khả năng thích ứng cao với cả nghệ thuật thị giác và nghệ thuật ứng dụng.
Với nỗ lực xây dựng một điểm nhấn mới cho văn hóa nghệ thuật ở Huế, đặc biệt là nghệ thuật tạo hình; triển lãm "Hành trình Trúc chỉ lần thứ nhất" đã được tổ chức. Triển lãm trưng bày 132 tác phẩm Trúc chỉ của 35 tác giả, trong đó có 47 tác phẩm của 25 họa sỹ và 85 tác phẩm của 10 sinh viên Đại học Huế. Nhiều họa sỹ thành danh ở Huế có nhiều thành công trên lĩnh vực mỹ thuật, hội họa như họa sỹ Tôn Nữ Tuyết Mai, họa sỹ Đặng Mậu Tựu cũng đã tham gia trong đợt triển lãm lần này.
Mục tiêu hàng đầu của nghệ thuật Trúc chỉ Việt nam đó là thẩm mỹ, giáo dục và xã hội. Cũng tại triển lãm "Hành trình Trúc chỉ lần thứ nhất", họa sỹ Phan Hải Bằng cùng các cộng sự đã phát động cuộc thi thiết kế mang tên "Ánh sáng Trúc chỉ lần thứ nhất năm 2018’’. Đây là cuộc thi dành riêng cho sinh viên trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, bắt đầu từ ngày 25/12/2017 kết thúc ngày 12/4/2018. Triển lãm và trao giải thưởng vào 28/4/2018.