Theo quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy, nguồn nước dưới chân Chàu Cầu vẫn còn tương đối đục, song theo đánh giá của các chuyên gia và nhiều người dân sống quanh khu vực này, tình trạng ô nhiễm đã được cải thiện 70 đến 80%, nhất là mùi hôi của nước thải và trầm tích bùn đất.
Thông qua nguồn viện trợ không hoàn lại từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với tổng vốn lên đến hơn 240 tỉ đồng, di tích đặc biệt Chùa Cầu đã được giải cứu khẩn bằng 1 dự án nhà máy xử lý nước thải khá hiện đại với công suất thiết kế 2.000m3 ngày/đêm. Dự án này ra đời đã bước đầu mang lại kết quả khả quan, góp phần từng bước tiến đến xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại khu vực Chùa Cầu, đồng thời cải thiện môi trường sống của hơn 1.000 hộ dân địa phương.
Sau hàng loạt các dự án tài trợ trùng tu khẩn cấp các di tích xuống cấp tại quần thể di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An, dự án xử lý nước thải ô nhiễm tại khu vực Chùa Cầu một lần nữa đã cho thấy mối quan hệ hữu nghị thâm tình vốn đã có từ lâu đời giữa người Hội An với người Nhật Bản. Đây còn là thái độ ứng xử với cái đẹp, với các giá trị văn hóa truyền thống của những người yêu mến di sản Hội An.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!