Ông Yohannes Siagian, Hiệu trưởng trường Trung học PSKD tại Jakarta, cho biết: "Trò chơi điện tử vốn bị cho là nguyên nhân khiến trẻ em chểnh mảng việc học hành. Tuy nhiên, trường Trung học PSKD đang muốn chứng minh điều ngược lại. Mới đây, trường PSKD-1 đã đưa môn thể thao điện tử vào giảng dạy. Mỗi tuần các em đuợc chơi tối đa 20 giờ cùng với một giáo viên đặc biệt. Trong năm học này, 20 học sinh đầu tiên được theo học môn thể thao điện tử ở phòng máy, đưa môn học này trở thành môn thể thao phổ biến thứ hai tại trường sau bóng rổ.
Chúng tôi có thể phát triển các kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm cho các em thông qua môn thể thao điện tử. Ngoài ra, các em có thể học toán hay kinh tế từ môn thể thao điện tử. Nhận thấy giá trị giáo dục từ thể thao điện tử, chúng tôi quyết định đưa nó vào chương trình giảng dạy".
Các học sinh được luyện tập theo ba cách trong phòng máy gồm: học bằng cách tự chơi, quan sát học hỏi cách chơi của người khác hoặc lập nhóm để trao đổi kinh nghiệm. Các học sinh tỏ ra thích thú với môn học mới này. Hiện đội tuyển của trường đang luyện tập để tham gia cuộc thi liên minh thể thao điện tử các trường trung học ở Melbourne, Australia. Tám học sinh sẽ được cử tham gia cuộc thi này. Một số em bắt đầu có ý định theo đuổi sự nghiệp thi đấu thể thao điện tử. Tuy nhiên, thể thao điện tử chỉ là một môn trong chương trình giảng dạy của trường. Vì vậy, các em vẫn phải đảm bảo chất lượng cho những môn học khác.
Thể thao điện tử không còn là một trò tiêu khiển. Tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD 18) đang diễn ra tại Indonesia, lần đầu tiên thể thao điện tử đã góp mặt với tư cách là môn thi đấu biểu diễn. Đến ASIAD 2022, các game thủ sẽ được thi đấu để tranh huy chương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!