Sự việc đang xảy ra tại miền núi các tỉnh Nam Trung bộ. Nguyên nhân không gì khác chính là do lối khai thác trắng rừng trồng đồng loạt trên diện tích rộng. Các chuyên gia lâm nghiệp cho rằng: đây là cách khai thác rừng kinh tế không khoa học, gây tổn hại đối với môi trường và là ngọn nguồn gia tăng lũ lụt cũng như sạt lở đất ờ miền núi.
Do lo ngại việc khai thác rừng trồng sẽ gặp trắc trở trong mùa mưa sắp tới nên lúc này, cứ hễ rừng keo lá tràm nào đến tuổi và được giá bán thì ngay lập tức, nông dân khai thác ngay. Điều này khiến cho ngay trước mùa mưa lũ, miền núi các tỉnh Nam Trung bộ lại đột ngột gia tăng những đồi trọc. Những đồi trọc này tỷ lệ thuận với tiến độ khai thác rừng trồng.
Một nguyên tắc vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế rừng bền vững là không được trồng thuần một loại cây, không được trồng cùng một thời điểm trên diện tích lớn. Bởi nếu làm như vậy thì khi khai thác sẽ đồng loạt mà khai thác rừng đồng loạt thì khó tránh khỏi những tác động nặng nề đến hệ sinh thái.
Trồng rừng kinh tế, lẽ đương nhiên là phải khai thác. Nhưng, ở vùng núi các tỉnh Nam Trung bộ, độ che phủ rừng chủ yếu là rừng trồng, nếu cứ giữ kiểu khai thác trắng như hiện tại thì chắc chắn sẽ gia tăng lũ lụt và sạt lở đất.
Nhưng, những người trồng rừng hầu như không để ý đến điều đó. Họ vẫn cố khai thác nhanh rừng trồng trước mùa mưa. Khai thác đến đâu, phát dọn thực bì đến đó, thậm chí đốt sạch thực bì trên đồi. Với những đồi trọc như thế này, giữ nước mưa, tránh xói mòn là điều không thể.