TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản công sau sáp nhập

Quang Tiến, Thiện LinhCập nhật 15:55 ngày 20/03/2024

VTV.vn - Hàng nghìn tài sản nhà, đất, trụ sở cơ quan dôi dư của các huyện xã, sau quá trình sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ được xử lý như thế nào đang là mối quan tâm lúc này.

Dù đã có những quy định cụ thể về việc xử lý cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập, tuy nhiên các quy định này lại chưa phù hợp với tình hình thực tế. Thực trạng này không chỉ lãng phí tài nguyên, mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư của địa phương.

Nếu không sớm có những biện pháp điều chỉnh kịp thời, cụ thể, phù hợp trong đợt sáp nhập giai đoạn 2023 - 2025, thì đây sẽ là những rào cản lớn trong lộ trình thực hiện đề án sáp nhập các đơn vị hành chính hiện nay.

Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2019 - 2021, tại 53 địa phương, 34 Bộ, cơ quan Trung ương có 6.902 tài sản công dôi dư cần phải sắp xếp, xử lý sau sáp nhập. Trong khi tài sản dôi dư trong đợt sắp xếp trước còn chưa xử lý xong, thì đợt sắp xếp đơn vị hành chính mới đã đến. Trước mắt là giai đoạn 2023 đến 2025, sẽ có 50 đơn vị cấp huyện và 1.243 đơn vị thực hiện sắp xếp đợt này, do vậy số tài sản, nhà đất dôi dư lần này vì thế cũng rất lớn. Trong khi đó các trình tự, thủ tục thanh lý, bán đấu giá trụ sở, tài sản công theo quy định phải trải qua nhiều bước, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị nên thời gian thực hiện thường kéo dài.

Một số địa phương kiến nghị, cần bổ sung quy định thanh lý nhà, tài sản gắn liền với đất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó cần sửa hai Nghị định 167 và 67 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tổ chức thực hiện. Nếu cấp ủy, chính quyền các địa phương không chủ động, quyết liệt và có các phương án xử lý, sắp xếp cụ thể và hiệu quả, sẽ khó tránh khỏi tình trạng để không, lãng phí kéo dài.

Xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính chưa bao giờ là việc dễ dàng. Để xử lý tốt được việc này, đòi hỏi cần phải có sự vào cuộc từ sớm, từ xa của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các Bộ, Ngành, trong đó, cùng với việc sửa đổi các cơ chế, chính sách, nghị định theo hướng rút gọn thủ tục hành chính, thì trong phương án sáp nhập cũng phải bắt buộc có phương án xử lý tài sản dôi dư một cách cụ thể để tránh tình trạng sau khi sắp xếp rồi mới loay hoay tìm phương án xử lý tài sản dôi dư, như cách không ít địa phương đã vướng phải trong giai đoạn trước đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nông dân Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu nông sản

VTV.vn - Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.