Ước tính tổng thiệt hại do tình trạng cá chết đến thời điểm hiện nay khoảng nửa tỷ đồng.
Ông Hoàng Danh Chuyền (tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) cho biết, từ khi mua giống về thả xuống hồ cá phát triển bình thường, khoảng 25 ngày trở lại đây cá có biểu hiện lờ đờ, bỏ ăn rồi chết. Đây là lần đầu tiên có tình trạng cá chết như thế, trước đây có chết chỉ một vài con nhưng không bất thường. Dù gia đình đã làm nhiều cách, cho ăn thêm phụ gia như tỏi, kháng sinh nhưng tình trạng cá chết vẫn không giảm. Ông Chuyền cho biết thêm, trung bình mỗi ngày số lượng cá chết từ 2- 2,5 tạ, chủ yếu cá rô phi. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 200 triệu đồng.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Đăk Hà, tình trạng cá chết bất thường xuất hiện cuối tháng 4/2018, chủ yếu tại xã Đăk Ngọk và thị trấn Đăk Hà. Đến nay, đã có khoảng 13 tấn cá bị chết, chủ yếu cá rô phi, rô đồng, ước tính thiệt hại ban đầu khoảng nửa tỷ đồng.
Ông Lê Thế Cương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết, trước tình trạng cá chết trên địa bàn, huyện Đăk Hà đã chỉ đạo tuyến cơ sở thống kê các hộ gia đình bị thiệt hại để làm cơ sở ban đầu. Bên cạnh đó, tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân không đổ cá ra môi trường, làm ô nhiễm môi trường, phải thực hiện chôn lấp để đảo bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, xử lý vệ sinh ao nuôi cá để đảm bảo môi trường tốt cho cá phát triển và điều trị bệnh…
"Về nguyên nhân cá chết thực tế rất khó xác định, theo như các hộ nuôi vì không có trang thiết bị máy móc cần thiết nên chỉ có xác định ban đầu là do thời tiết bất lợi dẫn đến các yếu tố đề kháng bị giảm sút, một số dịch bệnh có điều kiện phát sinh. Ban đầu, chúng tôi khuyến cáo bà con tiếp tục thay nước chăm sóc cá theo quy trình đang điều trị bệnh và điều trị bằng một số loại kháng sinh thông thường", ông Cương cho biết thêm.
Hiện, ngành chức năng huyện Đăk Hà đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi- Thú y tỉnh Kon Tum lấy mẫu nước, mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân cá chết.