Người đầu tiên ở Bảo Lâm đưa mô hình rau thủy canh vào sản xuất là anh Dương Văn Huấn, ở xã Lộc Ngãi. Anh đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng mô hình trồng rau Thủy Canh trên diện tích hơn 1.000m2 . Với những giống như lô lô tím, ba ta, xà lách mỡ… rau thủy canh sau thu hoạch có năng suất đảm bảo ngang bằng với địa bàn như Đức Trọng, Đơn Dương và TP. Đà Lạt. Sản phẩm xuất bán cho các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh và trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và được khách hàng đón nhận.
Phương thức trồng rau thủy canh có những ưu điểm nổi bật như không tốn công làm đất; hệ thống tưới nước, bón phân tự động và không phải làm cỏ. Với những ưu điểm kể trên, rau thủy canh đang được nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài cà phê, chè, trên địa bàn Bảo Lâm hiện nay nhiều loại cây ăn trái như bơ ghép, sầu riêng cũng cho hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, từng bước khẳng định giá trị sản phẩm của địa phương thì việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có mô hình rau thủy canh là rất cần thiết.