TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Lễ rước y trang chuẩn bị cho Lễ hội Katê ở Nam Trung Bộ

Ái Linh, Kông Thành, Hữu Giang (VTV8)Cập nhật 11:42 ngày 18/10/2017

VTV.vn - Lễ hội Katê, một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của cộng đồng người Chăm, bắt đầu diễn ra từ hôm nay (18/10) tại tỉnh Ninh Thuận.

Mỗi năm Lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận diễn ra một lần. Katê là dịp để người Chăm tưởng nhớ công ơn các vị thần linh, ông bà tổ tiên, là dịp gặp lại "người em út" Raglai sau một năm xa vắng. Ngược lại, Katê cũng là dịp để người Raglai đưa y trang về tháp Chăm cúng lễ thần linh và gặp lại người anh, người chị của mình. Mùa lễ hội Katê hằng năm là dịp thắt chặt tình đoàn kết anh em Chăm và Raglai.

Xưa kia việc cúng lễ Katê trên đền tháp là do người Raglai đảm trách, người Chăm chỉ đóng vai trò phụ giúp, tham gia hỗ trợ những vật dụng cần thiết. Nhưng nay đã khác, vào mùa lễ hội Katê, các gia đình của người Raglai trở nên nhộn nhịp hơn. Họ tạm gác công việc nương rẫy để xuống đồng bằng vui với người Chăm. Lễ vật dâng cúng thần linh cũng được bà con Raglai chuẩn bị trước lễ Katê vài ngày. Với người Raglai, phẩm vật dâng lên thần linh trong dịp lễ không có gì cao sang, đó là những sản vật của núi rừng hay nông sản do chính họ làm ra. 

Ngày trước, lễ hội Katê có thể kéo dài đến nửa tháng, nhưng nay đã được rút xuống chỉ còn ba ngày. Ngày đầu tiên dành để chuẩn bị y trang cho các thần linh. Ngày thứ hai rước y trang lên tháp cho các thần. Ngày thứ ba, dành cho cúng tế thần làng, tổ chức trò chơi và cúng tế tại gia đình.

Khi đưa y trang về đến làng Chăm, họ còn tặng nhau những thanh âm của núi rừng qua tiếng mã la, tiếng kèn bầu…Ở các làng Chăm, những cụ cao niên luôn cho rằng, năm nào có người Raglai đến cúng lễ là năm đó mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Có lẽ ý niệm này nhắc nhớ thế hệ con cháu dân tộc Chăm và Raglai giữ gìn tình đoàn kết đã được cha ông họ tạo ra từ ngàn đời.

Nông dân Quảng Ngãi xây dựng thương hiệu nông sản

VTV.vn - Hiện nay, ở nhiều địa phương, nông dân không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp mà chuyển dần sang mô hình kinh tế nông nghiệp.