Lễ tưởng niệm có sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, và nhiều đại biểu trong và ngoài nước.
Trong tiếng chuông ngân, hàng ngàn các đại biểu trong nước và quốc tế đã dành phút mặc niệm, cầu siêu cho linh hồn nạn nhân được siêu thoát. Cũng ngày này, đúng 50 năm về trước, Sơn Mỹ trở thành nỗi đau khôn nguôi của toàn thể nhân dân Việt Nam và những người có lương tri trên trái đất. 504 con người vô tội, trong đó chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ nhỏ đã ngã xuống tại mảnh đất này. Ngày hôm nay (16/3), dòng người lại nối dài để dâng hoa tưởng niệm, trong đó có những cựu binh Mỹ tìm về nơi đây như một chốn hành hương, để đối diện với sự thật, đối diện với chính mình và tìm thấy sự thanh tẩy tâm hồn ở một miền đất đang hồi sinh.
Đặc biệt, lễ tưởng niệm còn có sự có mặt của ông Ron Haeberle, tác giả của những bức ảnh thảm sát Mỹ Lai đã gây chấn động thế giới. Cũng như những người ghé thăm khu chứng tích, ông đã cùng thắp nén nhang tưởng nhớ nạn nhân bị thảm sát, đồng thời cầu nguyện cho hòa bình và kêu gọi có những hành động thiết thực để hàn gắn những vết thương năm xưa.
Hàng chục phóng viên và hãng thông tấn quốc tế đã có mặt ở khu chứng tích trong suốt một tuần qua để ghi nhận những câu chuyện của những nạn nhân sống sót, để câu chuyện Mỹ Lai sẽ không bao giờ xảy ra trên thế giới.
Lễ tưởng niệm ngày hôm nay được tổ chức một cách trang trọng với sự khánh thành của gian thờ được xây dựng ngay cạnh tượng đài Sơn Mỹ, phục vụ các đoàn khách đến dâng hương và tưởng niệm 504 nạn nhân của vụ thảm sát. Trong lễ tưởng niệm năm nay, Quỹ Hòa bình Mỹ Lai đã được trao giấy chứng nhận hoạt động và thực hiện dự án Công viên Hòa Bình Mỹ Lai, được kỳ vọng là dự án hồi sinh mảnh đất Tịnh Khê, Quảng Ngãi.