Việt Nam nằm trong số những nước mà ngành du lịch mất nhiều việc làm nhất, do dịch COVID-19. Vào năm 2019, Việt Nam có trên 2,5 triệu lao động du lịch nhưng sau đại dịch, gần 60% lao động du lịch đã chuyển sang ngành nghề mới. Bối cảnh này đòi hỏi nhiệm vụ đào tạo nghề trở nên cấp bách, trong đó có việc đào tạo nhân lực chất lượng cao để có thể thích ứng ngay với làn sóng du lịch phục hồi và các xu hướng du lịch mới.
Đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực du lịch để "tái thiết" sau dịch, hệ thống đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp cùng các doanh nghiệp du lịch đang tăng cường gắn kết triển khai đào tạo nhân lực bằng nhiều hình thức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại. Nhưng phương thức hiệu quả nhất vẫn là vận động doanh nghiệp tham gia cùng trường nghề ngay trong quá trình đào tạo. Một số resort hay khách sạn tại Hội An đã trở thành môi trường lý tưởng cho hàng trăm sinh viên các trường cao đẳng của Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có thể hoàn thiện các kỹ năng nghề của mình.
Việc xã hội hóa trong đào tạo này mang lại lợi ích cho cả 3 bên: Khách sạn có lợi, vì có được nguồn nhân lực ngắn hạn và có thể tuyển nhân sự cho dài hạn; sinh viên có lợi vì họ sẽ làm được công việc đúng ngành nghề mình học và học được nhiều kinh nghiệm thực tế; nhà trường có lợi vì họ đào tạo được những lao động có tay nghề cao, thích ứng công việc tốt. Cách làm này có thể góp phần lấp được "lỗ hổng" nhân lực mà theo ước tính đang thiếu khoảng 40% hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!