Nghị định 59/2020/ CP của Chính Phủ quy định, từ ngày 20/10 năm nay người dân có thể dùng thông tin định danh điện tử để chứng minh nhân thân, thay cho căn cước công dân gắn chip bản cứng. Định danh điện tử là một tài khoản được tạo lập và xác thực trên hệ thống VNeID của Bộ Công an. Người dân sẽ dùng mã số định danh cá nhân (là mã số trên Căn cước công dân gắn chíp) và số điện thoại hoặc email để đăng ký.
Việc đăng ký, đối soát, tạo lập và gắn danh tính điện tử với chủ thể (gồm cá nhân, tổ chức) là được gọi là định danh điện tử. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam, đều được cấp tài khoản định danh điện tử.
Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân là số định danh; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính và thông tin sinh trắc học (ảnh chân dung, vân tay). Mỗi danh tính điện tử được đăng ký một tài khoản định danh điện tử. Tài khoản này là tập hợp tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử. Tài khoản định danh điện tử có hai mức độ. Mức độ 1 bao gồm các thông tin về số định danh cá nhân, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính và ảnh chân dung. Mức độ 2 bao gồm các thông tin như mức độ 1 nhưng tích hợp thêm vân tay của người được cấp tài khoản định danh điện tử.
Dữ liệu dân cư có ý nghĩa rất quan trọng để xác thực, kết nối các dữ liệu, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan Nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính. Thực hiện điều này không chỉ mang lại lợi ích rất lớn trong quản lý nhà nước mà còn đem lại nhiều quyền lợi cho người dân, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!