"Mục đích thi đua ái quốc là gì?".
"Diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm".
Chỉ 12 từ mở đầu Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, Hồ Chủ tịch đã nêu lên nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân cũng như mục đích của phong trào. Ngay sau đó, Người cũng chỉ rõ: "Bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua". Ngoài nghệ thuật khơi dậy sự hưởng ứng của đồng bào, Lời kêu gọi còn ẩn chứa tinh thần đoàn kết mọi tầng lớp xã hội để cùng tham gia với tinh thần khẩn trương và hiệu quả.
Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, ẩn sau những lời bình dị đó là sự kế thừa và phát huy từ chủ nghĩa Mác – Lenin về thi đua xã hội chủ nghĩa. Bác đã trình bày những lý luận vốn hàn lâm theo cách gần gũi hơn với nhân dân và gắn với những mục tiêu cụ thể.
Lời kêu gọi của Bác đã tạo động lực cho lớp lớp thanh niên không tiếc tuổi xuân, không tiếc máu xương giành lại độc lập cho dân tộc và xây dựng đất nước. Ngày nay, những câu từ dân dã đó vẫn có sức lay động tới nhiều Việt kiều trẻ. Họ đã trở về, đóng góp cho đồng bào, cho quê hương.
70 năm đã trôi qua kể từ ngày Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc, nhưng vẫn còn đó sức lan tỏa tới toàn dân; thể hiện qua văn phong ngắn gọn, ngôn ngữ giản dị, súc tích của chủ tịch Hồ Chí Minh.