TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Miền Trung Tây Nguyên ứng phó động đất

Đỗ Vinh, Lê HuyCập nhật 11:10 ngày 15/08/2024

VTV.vn - Trên địa bàn Miền Trung và Tây Nguyên liên tục xảy ra nhiều trận động đất với số lượng ngày một tăng, đặc biệt tại khu vực tỉnh Kon Tum có ngày ghi nhận hàng chục trận.

Theo Viện vật lý địa cầu, phần lớn các trận động đất này là dạng động đất kích thích. Vấn đề đặt ra là cường độ và tần suất xảy ra động đất ngày một gia tăng trên địa bàn có nhiều hồ thủy điện lớn đặt ra nhiệm vụ quan trọng đó là cần nâng cao khả năng dự báo sớm động đất để kịp thời ứng phó với tình huống thiên tai bất thường này.

Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là tâm chấn của hàng trăm trận động đất kích thích. Nơi đây có hai hồ thủy điện lớn nhất của tỉnh Kon Tum, dung tích chứa có thể tích 400 triệu mét khối nước. Hơn 3 năm trước, khi thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu tích nước cũng là lúc các trận động đất gia tăng động đất kích thích. Bên dưới thủy điện là hàng vạn người dân tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi đang sinh sống. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế cảnh báo sớm động đất để các địa phương như Kon Tum, Quảng Ngãi hay Quảng Nam ứng phó với loại hình thiên tai này.

Theo ghi nhận của Viện vật lý địa cầu, trận động đất lúc 11 giờ 35 phút ngày 28-7 vừa qua tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum 5 độ được xem là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay. Vấn đề đặt ra hiện nay là các khu vực xảy ra động đất cũng là địa bàn có nhiều thủy điện. Vậy làm thế nào để nâng cao năng lực cảnh báo sớm để người dân hạ du có phương án ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại được xem là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Riêng tại lưu vực thủy điện Sông Tranh 2, đơn vị đã lắp đặt 17 trạm quan trắc để đưa ra cảnh báo sớm về động đất.

Miền Trung và Tây Nguyên được xem là địa bàn có mật độ thủy điện dày đặc. Những túi nước khổng lồ lên đến hàng tỷ mét khối nước trên thượng nguồn liệu có đảm bảo an toàn khi xảy ra động đất. Trong bối cảnh liên tục cường độ động đất xảy ra liên tục như hiện nay, đảm bảo an toàn hồ đập và an toàn người dân vùng hạ du được xem là nhiệm vụ kép. Thay vì tuyên truyền theo kiểu đối phó, chính quyền địa phương và chủ các hồ thủy điện phối hợp diễn tập kịch bản động đất, vỡ đập thủy điện để người dân có kỹ năng ứng phó với loại hình thiên tai mới này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!