Theo báo cáo của lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, trong năm 2017, Hội đã thử nghiệm thành công trên thực địa phương pháp tẩy độc dioxin trong đất bằng công nghệ vi sinh Hàn Quốc. Kết quả được đánh giá về cơ bản, cuộc thử nghiệm tẩy độc dioxin trong đất bằng phương pháp vi sinh Hàn Quốc đã thành công, làm giảm 35% nồng độ, tương đương như các phương pháp vi sinh khác đã tiến hành ở Việt Nam. Đề án này đã mở ra một hướng "xã hội hóa" và có thể mở rộng trên địa bàn huyện A Lưới. Đồng thời trao đổi về các phương án liên quan và hỗ trợ nhân đạo, giúp địa phương từng bước thực hiện việc xây dựng Khu Chứng tích chiến tranh hóa học.
Hầu hết các ý kiến phát biểu tại buổi tiếp xúc này đều đánh giá cao kết quả thử nghiệm, sự nhiệt tình của các chuyên gia, cũng như ý nghĩa nhân văn của hoạt động thử nghiệm tẩy độc dioxin do Mỹ để lại sau chiến tranh của các nhà khoa học Hàn Quốc. Đặc biệt là Công ty BJC đã triển khai tại sân bay A Sho, huyện A Lưới - một trong những khu vực bị ô nhiễm chất độc hóa học và bom mìn rất nặng nề tại khu vực miền Trung Việt Nam. Hơn nữa, vấn để xử lý chất độc Da cam/dioxin không phải dễ và phương pháp xử lý bằng công nghệ vi sinh cũng là công nghệ mới.
Từ thực tiễn đó, các chuyên gia bày tỏ hy vọng tiếp tục thử nghiệm tẩy độc Dioxin bằng công nghệ vi sinh ở quy mô lớn hơn, tháo gỡ khó khăn cho người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương
Kết luận buổi làm việc ngày 28/2, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đánh giá cao kết quả thử nghiệm tẩy độc Dioxin bằng phương pháp vi sinh của Hàn Quốc, nhất trí mở rộng quy mô tại A Lưới; đề nghị trong thời gian tới, Hàn Quốc cần tiếp tục phối hợp với Việt Nam trong thử nghiệm tẩy độc, trong đó có khu vực sân bay A Sho, huyện A lưới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Tổng cục Môi trường cùng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Công ty BJC thảo luận đề ra kế hoạch cụ thể để triển khai tại A Lưới với quy mô lớn hơn, từ đó sớm hình thành dự án cải tạo lại môi trường đất. Đây cũng chính là mong mỏi của nhân dân nơi đây, để sớm ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.