Giá gỗ keo nguyên liệu trong nước thiết lập mức giá được cho là cao nhất từ trước đến nay, 1,7 triệu đồng/tấn. Với giá như hiện nay, người trồng rừng ở những khu vực đất tốt, giống tốt cho năng suất cao thì sau khi thu hoạch, trừ chi phí lãi hơn triệu đồng/ha.
Cánh rừng keo của nông dân trồng rừng huyện Sông Hinh mới chỉ 3 năm tuổi nhưng đã bị khai thác. Những cây keo non có đường kính mới dưới 6cm đã không có cơ hội lớn thêm. Quanh hồ thủy điện Sông Hinh, tình trạng người dân khai thác keo non mới 3 đến 4 năm tuổi cũng diễn ra ồ ạt.
Việc khai thác keo non được các chuyên gia ngành lâm nghiệp chỉ ra là không mang tính bền vững. Một ngành trồng rừng bền vững chỉ khi có sự liên kết cùng với doanh nghiệp hoặc người dân có đủ vốn để duy trì diện tích rừng trồng từ năm thứ 5 trở lên hoặc trồng thành rừng gỗ lớn mới khai thác. Khi bài toán này được giải quyết thì lúc đó mới ngăn chặn được tình trạng khai thác keo non trong dân và chính các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu hiện đang ở con số 5 - 6 triệu m3 mỗi năm của ngành gỗ của nước ta.
Hiện một số doanh nghiệp ngành gỗ đã đưa ra các biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác rừng non. Tuy nhiên, những nỗ lực của một số doanh nghiệp gỗ cũng chưa thể giải quyết bài toán người dân khai thác keo non. Bởi, doanh nghiệp này không mua thì nông dân sẽ bán cho nơi khác, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ván gỗ đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu để chế biến. Do vậy, về lâu dài cần phải có giải pháp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!