Trước mỗi chuyến biển, chủ tàu bao giờ cũng phải ứng tiền trước cho các lao động đi biển. Phải đưa tiền trước thì lao động mới đồng ý đi biển. Ngư dân gọi đây là "tiền đặt cọc bạn thuyền". Mỗi bạn thuyền, số tiền bỏ ra từ 4-5 triệu đồng. Nhưng đến ngày đi biển, bạn thuyền chẳng thấy đâu. Vậy là chủ tàu vừa bị mất tiền, lại không thể mở biển như dự định.
Sự việc các chủ tàu cá bị mắc lừa được nhiều người cho là kết cục được báo trước. Chủ tàu khi đưa tiền trước cho lao động đi biển, không hề có một giấy tờ cam kết. Biết sẽ gặp rủi ro nhưng họ vẫn chấp nhận. Chấp nhận bởi chủ tàu đang rất cần lao động đi biển. Trong khi đó, vùng biển thì lại khan hiếm lao động. Chỉ riêng tỉnh Khánh Hòa, đội tàu khai thác xa bờ khoảng 1300 chiếc, cần từ 10 ngàn đến 13 ngàn lao động. Thế nhưng, chỉ khoảng 1/3 số lao động này là cố định ở làng biển, 2/3 còn lại là những lao động thời vụ từ các địa phương khác.
Để thu hút lao động đi biển, thu nhập phải nâng lên. Nhưng điều này thì ngư dân không thể quyết định bởi phụ thuộc vào chuyến biển có khai thác được nhiều cá hay không và cá có bán được giá hay không? Vậy là khan hiếm lao động đi biển càng ngày càng trầm trọng.
Một khi bài toán thiếu hụt lao động đi biển chưa được giải quyết thì vẫn còn kéo dài những hệ lụy phát sinh. Đó là tàu cá không thể mở biển do thiếu lao động. Đó là sự việc chủ tàu bị lừa mà vẫn phải cam chịu chỉ vì mong có đủ lao động đi biển.