Thêm một ngày tàu cá nằm bờ là thêm một ngày ngư dân nóng lòng nhất là khi lúc này đã vào mùa khai thác, nhưng không dưới 1500 tàu cá ở hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên bị hư hại nặng nề từ cơn bão số 12 năm ngoái. 3 tháng sau bão, việc sửa chữa tàu cá vẫn khá ì ạch. Tiền sửa tàu, ít thì 50-70 triệu đồng, nhiều thì 200-300 triệu đồng. Mùa biển trước, nhiều ngư dân thất thu, tiền tích góp chẳng có là bao. Vậy là lúc này, cứ 10 gia đình ngư dân thì 7-8 gia đình thiếu vốn. Đa phần ngư dân đều chọn cách vay nóng để có tiền sửa tàu. Chuyện cũng không khác gì mấy ở vùng nuôi tôm hùm, nơi hứng chịu sức tàn phá nặng nề nhất của bão. Để nuôi lại tôm hùm, ít nhất trong tay người nuôi phải có vài trăm triệu đồng. Tiền mua tôm hùm giống, tiền lo thức ăn cho tôm không dễ có đủ. Dù biết lấy tiền nóng để nuôi tôm chẳng khác gì đánh bạc nhưng không ít người buộc chấp nhận.
Giải quyết nguồn vốn cho ngư dân khắc phục hậu quả thiên tai được các ngân hàng, các tổ chức tín dụng khẩn trương thực hiện. Như tại tỉnh Khánh Hòa, đến cuối năm ngoái, hơn 800 tỷ đồng được giải ngân cho vay mới khôi phục sản xuất. Nhưng đến lúc này ở vùng biển, nhiều ngư dân vẫn chưa tiếp cận được vốn vay mới khi những khoản nợ cũ chưa được xử lý.
Đã vào mùa biển, ngư dân thì không thể chờ đợi để được vay tiền ngân hàng rồi mới khôi phục sản xuất nên tìm đến tín dụng đen. Và chắc chắn cũng như các năm trước, khó mà ngăn chặn được tín dụng đen nếu việc hỗ trợ nguồn vốn tái thiết sau bão không được đẩy nhanh.