Cửa biển An Hải bị bồi lấp cả năm nay nên khi mưa từ thượng nguồn đổ về thì tất cả đổ ra cửa sông Lễ Thịnh rồi ra biển nhưng 2 bên bờ sông Lễ Thịnh là vùng nuôi cá mú cùng hàu, vẹm nên khi nước ngọt tràn qua, cá lại chết.
Đây là lần thứ 2 trong tháng 11 cá chết. Lần đầu chết 126 tấn cá và trong ngày 14 và sáng 15/11 đã có thêm 127,000 con cá của ngư dân thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông chết tiếp.
Ở thôn Phú Lương có khoảng 130 hộ nuôi cá mú. Hộ nuôi ít nhất 4.000 con nhiều đến gần 20.000 con và sản lượng mỗi năm lên đến gần 400 tấn.
Sau khi cá chết vì sốc nước ngọt đầu tháng 11 hiện lượng cá còn lại trong dân khoảng 200 tấn. Trong số này, phần lớn đủ tuổi bán ra thị trường nhưng năm nay, ngư dân gần như không bán được vì dịch COVID-19 vì thế cá mới tồn đọng và chết nhiều khi nước ngọt đổ về vùng nuôi.
Theo người dân An Ninh Đông, chỉ có khơi thông cửa biển An Hải mới cứu được 200 tấn cá mú, cá hồng còn lại trên các bè nên dù trời mưa to và đưa được phương tiện ra vùng cửa biển bị bồi lấp rất khó khăn nhưng người dân vẫn tích góp tiền để thuê 2 máy xúc xử lý khối lượng lớn cát bồi lấp cửa An Hải.
Vì cát bồi lắp tại đây đã lâu và khối lượng khá lớn nên trước mắt ngư dân khai thông lạch rộng 5 mét dài gần 100m để giải phóng bớt nước đổ từ đầm Ô Loan ra đây.
Huyện Tuy An cho biết, đã chuẩn bị kế hoạch, lực lượng, phương tiện sẵn sàng khơi thông cửa biển An Hải khi mực nước lũ về mức báo động III. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, việc khơi thông cửa biển cần làm sớm, bởi chờ nước lũ lên cao lúc đó cá đã bị sốc nước ngọt chết nhiều hơn nên trước mắt người dân tự góp tiền khơi thông cửa biển An Hải cứu số cá còn lại của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!