Với người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhà Rông không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh với các phong tục tập quán truyền thống của bà con mà đó còn là biểu tượng đặc trưng truyền thống của thôn làng đồng bào Dân tộc Ttiểu số Tây Nguyên, là linh hồn, sức sống của cộng đồng. Do đó, việc bảo tồn không gian sinh hoạt nhà Rông luôn được cộng đồng làng ý thức giữ gìn và phát huy.
Tại khu vực Bắc Tây Nguyên, nơi có khá đông đồng bào dân tộc Ba Nar sinh sống, những ngôi nhà Rông vẫn được bà con gìn giữ. Nơi đây còn là không gian linh thiêng, nơi quy tụ sức mạnh tâm linh, thể hiện bản sắc văn hoá riêng.
Hình ảnh nhà Rông luôn gắn chặt đại ngàn, với âm thanh của cồng chiêng và cả những vòng xoang bên ánh lửa và cả men rượu cần gắn kết cộng đồng.
Nhà Rông làng Kon Sơ Lăl thuộc xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai hiện nay được biết đến là ngôi nhà Rông lớn nhất Tây Nguyên. Đây là ngôi nhà Rông được dựng lên với chất liệu hoàn toàn từ tự nhiên được chính bàn tay tài hoa của cộng đồng thiểu số nơi đây hoàn thành vào năm 2017, là niềm tự hào của người dân nơi đây.
Với mong muốn giữ gìn lại bản sắc văn hóa truyền thống thời gian qua đồng bào Ba Nar đã cùng với chính quyền địa phương xây dựng mới, tu sửa, phục dựng lại thiết chế nhà Rông. Tuy vật liệu có nhiều thay đổi nhưng họ vẫn cố giữ lại nét đặc trưng nhất, với mong muốn có thể đáp ứng đời sống tinh thần cũng như bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của nhà Rông Tây Nguyên trong đời sống văn hoá của cộng đồng nơi đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!