Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), đơn vị thường xuyên (đặc biệt trước mùa bão lũ) thực hiện việc khảo sát các di tích trong Khu phố cổ Hội An cũng như các di tích ở vùng ven nhằm đánh giá tình hình di tích, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó phù hợp nhằm phòng tránh, giảm thiểu các tác hại của thiên tai, bão lũ lên di tích.
Qua khảo sát, có 41 di tích xuống cấp, trong đó 10 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 21 di tích xuống cấp nặng, 10 di tích xuống cấp nhẹ. Hầu hết là các ngôi nhà cổ nằm ở các tuyến đường trung tâm như Trần Phú, Bạch Đằng, Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Nguyễn Huệ…
Tình trạng các di tích qua khảo sát như xuống cấp, tường nứt, hệ khung gỗ bị mục, hệ gỗ mái đòn tay, rui, lách bị mối mọt, kết cấu gỗ, hệ mái ngói hư hỏng nặng. Đặc biệt, nhiều nhà chỉ cho thuê kinh doanh, dùng làm nhà thờ không ở.
Ở vùng ngoại vi Khu phố cổ, qua khảo sát có 117 di tích đang xuống cấp với những mức độ khác nhau. Bên cạnh một số di tích xuống cấp đã được Trung tâm hỗ trợ gỗ chống đỡ qua các năm trước, có 01 hạng mục của di tích cấp quốc gia đang xuống cấp, nguy cơ bị ảnh hưởng cao hơn trong mùa mưa bão năm nay là hạng mục tường rào phía trước Chùa Viên Giác (tình hình xuống cấp nặng, có nguy cơ sụp đổ, mức độ rủi ro cao).
Một số di tích tại xã đảo Tân Hiệp như miếu Trung Lộc, miếu Bà Mộc, miếu Bà Mụ (thôn Bãi Ông), miếu Thành Hoàng (thôn Bãi Làng) có cây xanh xâm thực hệ mái cũng đã được khảo sát, đánh giá hiện trạng và đưa ra các giải pháp xử lý…
Được biết, Khu phố cổ Hội An gồm 1.117 di tích kiến trúc, được chia làm 5 loại di tích, trong đó có 41 di tích loại đặc biệt; 97 di tích loại I. Từ năm 1999 đến nay đã triển khai thực hiện tu bổ, tôn tạo hơn 300 di tích từ nguồn ngân sách Nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!