Tiền thật được trao đổi lấy tiền giả với tỷ lệ 1 đổi 7 hoặc thậm chí 1 đổi 10, giống tiền thật đến 98%... đang được quảng cáo trên mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên thực chất đây chỉ là chiêu trò lừa đảo nhằm lấy tiền của những người hám lợi. Câu chuyện mới đây của anh Nguyễn Tấn Trung (27 tuổi, ở xóm 3, thôn Thọ Nam, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) do hám lợi đã lên mạng Facebook tìm mua tiền giả là bài học cho nhiều người. Trước đó, anh Trung vào tìm tên miền "Quảng Ngãi tiền giả" trên Facebook rồi thỏa thuận giao dịch mua tiền giả. Khi gặp đối tượng, anh Trung đưa tiền thật và được đối tượng đưa cho anh bịch ni lông nói là tiền giả như đã thỏa thuận, yêu cầu anh mang về nhà hãy mở để tránh bị phát hiện của cơ quan chức năng. Khi về đến nhà mở bịch ni lông ra xem. Anh Trung tá hỏa vì phát hiện trong túi đựng tiền vàng mã dùng để đốt cúng.
Chỉ cần vào facebook gõ từ khóa "mua tiền giả" sẽ xuất hiện hàng chục Fanpage và trang cá nhân có tên "Buôn bán tiền giả", "Trao đổi tiền giả"... thu hút hàng ngàn lượt like và chia sẻ. Tìm hiểu trên một trang facebook cá nhân có tên "Trịnh Gia Hân (Mua Bán Tiền giả) - Buôn bán tiền giả uy tín chất lượng" đăng tải hàng loạt hình ảnh các cọc tiền mệnh giá từ 100.000-500.000 đồng kèm theo những lời chào rất thu hút như: "Tiền giả uy tín nguồn gốc: Thailand, chất liệu: Polimer" với giá 1 triệu tiền thật đổi lấy 10 triệu, hoặc 5 triệu tiền thật đổi lấy 55 triệu tiền giả, … Đã có không ít người dân do hám lợi đã thực hiện giao dịch chuyển tiền thật theo yêu cầu nhưng rồi đợi mãi không thấy tiền giả chuyển lại thì mới biết là mình bị lừa.
Việc tiêu thụ tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật. Những thông tin đổi tiền giả trên mạng xã hội là "chiêu trò" do tội phạm lừa đảo đưa ra để "bẫy" người dân. Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác với hành vi rao bán tiền giả trên mạng.