Bộ Tư pháp cũng nhận định rằng: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật sử dụng để pháp điển thiếu tính thống nhất; nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn.
Có thể ví dụ ngay từ Nghị định 84 sửa đổi bổ sung. Theo Nghị định này, phát sai bản tin dự báo thời tiết, thiên tai sẽ bị phạt tới 50 triệu đồng. Bản chất của dự báo đã cho phép có sự sai lệch, như vậy để xử phạt thì phải xác định sai đến mức nào và sai so với chuẩn nào sẽ bị phạt? Trong khi đó trên thực tế, công cụ, thiết bị quan trắc, cung cấp thông tin để làm cơ sở cho dự báo vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Đơn cử như việc quan trắc tại các hồ đập là hết sức quan trọng, bởi nó không chỉ đảm bảo an toàn cho công trình mà còn cho tài sản, tính mạng của hàng vạn người dân ở hạ du. Thế nhưng hầu hết các hồ đập trên cả nước - trừ 1 vài hồ lớn như Sơn La, Hòa Bình.. có đầy đủ hệ thống quan trắc, còn lại đều không có, hoặc có thì không đồng bộ, hư hỏng xuống cấp nên việc dự báo hết sức hạn chế.
Hoặc theo Nghị định 90/2017 có hiệu lực trong tháng 9 này, hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không có xích giữ chó hoặc không có người dắt khi đưa chó đến nơi công cộng… chủ nuôi sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Theo những người có chuyên môn trong lĩnh vực tư pháp thì quy định trên là cần thiết, nhưng khâu quản lý chưa làm được thì thật khó để phạt .
Nghị định 84 và Nghị định 90 chỉ là những ví dụ cụ thể, còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhưng tính khả thi không cao, rất khó đi vào cuộc sống. Một Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, thì mọi người phải sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp Luật. Tình trạng càng nhiều các văn bản quy phạm pháp luật không có tính khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn không những gây nên sự chồng chéo, lúng túng trong quản lý, mà còn là một sự lãng phí lớn, và hơn cả sẽ ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật.