Gỗ trong rừng phòng hộ sông Tranh thuộc thôn 2, xã Trà Bui đã cưa thành khúc, phách
Vẫn phải thừa nhận rằng, hằng ngày, những cán bộ kiểm lâm phải đối mặt với nhiều hiểm nguy rình rập, nhiều người đã bị thương tật vĩnh viễn do bị hành hung; cũng có kiểm lâm đã nằm lại ở núi thẳm rừng sâu do tai nạn khi đi rừng. Và có một thực tế là diện tích rừng tự nhiên ngày càng bị thu hẹp do năng lực giữ rừng yếu kém của lực lượng kiểm lâm, còn cơ chế chính sách lại tồn tại quá nhiều bất cập. Ngay như tại tỉnh Quảng Nam, địa phương còn nửa triệu ha rừng (đứng nhì cả nước sau Nghệ An) đã được giao khoán đến người dân nhưng xem ra, rừng vẫn bị phá. Và không ít vụ việc, chính người nhận khoán bảo vệ rừng lại là người phá rừng.
Ngoài bất hợp lý trong việc giao khoán bảo vệ rừng, cũng tại Quảng Nam, một bất hợp lý dễ nhìn thấy nữa, đó là trung bình mỗi kiểm lâm tỉnh này phải giữ đến 1500 ha (gấp 3 lần mức quy định của Chính phủ). So sánh với toàn quốc, diện tích kiểm lâm Quảng Nam tính trên một người cao nhất cả nước. Và trong số 500 cán bộ kiểm lâm của tỉnh này thì có 40% là lớn tuổi, không đủ sức đi rừng. Ngoài ra, hơn 100 kiểm lâm hợp đồng dài hạn lương không quá 3 triệu đồng một tháng.
Khó mà giữ được rừng, kể cả giữ được mình khi mức lương không đủ sống, dù công việc không mấy nhẹ nhàng. Và tình yêu rừng cũng khó mà níu giữ được chân kiểm lâm khi sức ép cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai những kiểm lâm đã có vợ con. Để giải quyết những tồn tại, bất cập này còn nhiều nan giải từ chính các cấp chính quyền địa phương.
Trong khi nhiều địa phương đã mất trắng những cánh rừng nguyên sinh thì hằng ngày, Quảng Nam đang loay hoay với câu chuyện giữ rừng. Cải tổ lực lượng kiểm lâm, giao các ban quản lý rừng về cho huyện quản lý, quy trách nhiệm cho chủ tịch huyện là giải pháp mà Quảng Nam đang làm. Tuy nhiên, nếu không có sự vào cuộc của các bộ ngành để giải quyết vấn đề biên chế, vấn đề thu nhập thì "máu rừng" vẫn tiếp tục chảy.