Những năm gần đây, mô hình nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè vật liệu nhựa HDPE đang mang đến những hiệu quả tích cực trong việc nâng cao năng suất, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt thích ứng tốt với tình hình thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan.
Bên cạnh những tiện ích về kỹ thuật, lồng bè HDPE còn đem lại kết quả khả quan trong nuôi trồng các loài thủy sản với tỷ lệ sống của con giống đạt đến 90%; lồng bè truyền thống là 75%. Mặt khác qua cơn bão Trà Mi vừa qua, các loại lồng bè truyền thống ở huyện Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung bị hư hại hoàn toàn, thì lồng bè bằng công nghệ HDPE vẫn tái sử dụng trở lại được. Hiện nay, các hộ sử dụng lồng bè truyền thống vẫn chưa khôi phục được sản xuất, thì những hộ sử dụng lồng bè HDPE đã bắt đầu thả giống, góp phần phục hồi nhanh ngành nuôi trồng thủy sản.
Lồng bè nuôi trồng thủy sản HDPE là hệ thống phao bè được thiết kế theo dạng mô đun gồm nhiều phao nổi ghép lại với nhau, gia cố chắc chắn bằng bulong neo, chốt và tán. Thiết kế này giúp người nuôi trồng dễ dàng thực hiện việc lắp đặt, mở rộng, thay thế hoặc di dời lồng bè trước và sau bão lũ, và thích ứng được với nhiều địa hình như: biển, sông, vịnh, hồ thủy điện. Đây là hệ thống lồng bè được nhận định sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới do tính tiện ích, cũng như đáp ứng được các mục tiêu thân thiện với môi trường.
Nước ta có đường bờ biển dài cùng hệ thống sông ngòi rộng lớn mang nguồn lợi thủy sản dồi dào, và đa dạng. Để phát triển kinh tế biển, hiện nay nhiều tỉnh, thành đã ban hành các chủ trương, chính sách giúp bà con ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy hải sản từ lồng bè truyền thống sang lồng bè HDPE, trong đó có các sản phẩm của SIAM Brothers Việt Nam và công nghệ HDPE cũng đã được Tổng cục Thủy sản kiểm định, đánh giá là phù hợp để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản xanh, bền vững trên toàn quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!