Năm 1999, lần đầu tiên mô hình nuôi tôm trên cát dùng nilông làm vật liệu chống thấm khi xây dựng ao nuôi mới thử nghiệm thành công. Nếu dựng ao trên đất sản xuất nông, lâm nghiệp thì phải đầu tư lớn. Ước tính, nước ta có gần 370 nghìn héc ta diện tích các loại đất cát ven biển. Vì thế, nuôi tôm trên cát là giải pháp có sức hấp dẫn mạnh đối với đông đảo người dân.
Một héc ta nuôi tôm trên cát có thể đem lại doanh thu hơn 400 triệu đồng/năm, được coi là loại hình sử dụng đất hiệu quả nhất. Thế nhưng trải qua thời gian, mặt trái của phương thức nuôi tôm trên cát đã bắt đầu lộ dần, nghiêm trọng nhất là gây tác hại lớn đến môi trường, tôm nhiễm bệnh...
Mặc dù thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu thiệt hại, cũng như giải quyết bài toán đầu ra bấp bênh trong nuôi tôm trên cát. Thế nhưng trên thực tế, vụ nuôi đầu năm nay vẫn có hàng chục ao hồ với gần 4 tấn tôm bị bệnh. Thực trạng trên đòi hỏi các cấp ngành địa phương cần có sự định hướng rõ ràng và cụ thể hơn, để người dân nuôi trồng một cách an toàn và bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh thiên tai và thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!