TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Vì sao ngư dân chưa được hỗ trợ vốn vay theo Quyết định 12 của Chính phủ

Vĩnh Yên, Công Điền (VTV8)Cập nhật 09:55 ngày 28/06/2018

VTV.vn - Một năm rưỡi đã qua, kể từ ngày Quyết định 12 ra đời, nhưng đến nay vẫn chưa có một hộ dân nào được vay vốn theo quyết định này.

Nằm trong chuỗi các chính sách hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh Bắc miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển, ngày 6 tháng 1 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 12, về việc xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ khôi phục sản xuất  cho các đối tượng bị ảnh hưởng. Trong đó có việc hỗ trợ cho người dân vay vốn để khôi phục sản xuất, chuyển đổi sinh kế, mà người dân vẫn gọi ngắn gọn là vay vốn theo Quyết định 12. Tuy nhiên cho đến nay, ngoài việc nhận được tiền bồi thường thì vẫn chưa có đối tượng bị ảnh hưởng nào được vay vốn thay quyết định trên. 

Phú Diên, một trong những xã bãi ngang ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Chỉ riêng nơi này đã có gần 600 lao động làm nghề khai thác đánh bắt ven bờ. Sau sự cố môi trường biển hồi tháng tư năm 2016, sản lượng hải sản gần bờ sụt giảm nghiêm trọng. Những người không bỏ xứ đi làm ăn xa thì vẫn cố gắng tu sửa ghe, thuyền để bám biển, nhưng thu nhập rất bấp bênh. Biết thế, nhưng chẳng phải hộ nào cũng có thể xoay sở được vốn để chuyển đổi sinh kế, hoặc chuyển đổi phương thức khai thác, đánh bắt. Bởi vậy, với đa phần bà con việc được vay vốn có hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 12 mà Chính phủ đã ban hành hồi tháng 1năm ngoái rất được người dân trông đợi.

Quyết định 12 Thủ tướng Chính phủ ban hành từ ngày 6/1/2017, nhưng mãi đến tháng ngày 7/12/2017 Bộ tài chính mới có Thông tư 16568 hướng dẫn về việc hỗ trợ cấp bù lãi suất cho khoản vay mới để khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề và khoanh nợ theo quy định tại Quyết định 12.

Được biết, số tiền cấp bù lãi suất trên cũng nằm trong gói kinh phí mà Công ty Fomosa Hà Tĩnh bồi thường sau sự cố môi trường biển. Nhưng sau Thông tư của Bộ tài chính vào cuối năm ngoái, đến nay 4 tỉnh Bắc miền Trung vẫn chưa địa phương nào nhận được kinh phí cấp bù lãi suất. Và trong khi chờ đợi, người dân vẫn phải tự xoay sở với "tín dụng đen" lãi suất ngất ngưởng lên đến 70%/năm.